Chuyện thời cuộc: Nước sinh hoạt

16:07 18/10/2019

Mấy ngày qua, câu chuyện về nước sinh hoạt của Hà Nội đã không còn là chuyện riêng của Thủ đô, mà thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng.

(Hình ảnh minh họa)

Xuất phát từ việc nhiều người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội phát hiện thấy “mùi lạ” trong nước sinh hoạt. Qua một số nguồn tin, nguyên nhân là do nguồn nước mặt của doanh nghiệp đầu mối cung cấp nước sạch cho Hà Nội, nằm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình bị ô nhiễm. Cụ thể là ở đầu nguồn, có hiện tượng dầu thải và một số vật phẩm hữu cơ khác bị xả vào nguồn nguyên liệu nước thô.

Vấn đề diễn biến theo tình huống không mấy tích cực, hàng loạt doanh nghiệp cấp nước cho Hà Nội phải thông báo dừng mua nước của doanh nghiệp trên. Hà Nội thiếu nước sạch nghiêm trọng, đến nỗi các loại nước uống đóng chai cũng bị “cháy hàng”.

Việc UBND TP Hà Nội phải ra thông báo chỉ đạo hỗ trợ cấp nước khẩn cấp cho các khu vực dân cư bị ảnh hưởng từ nguồn nước mặt sông Đà, và người thụ hưởng phải đăng ký kê khai để được nhận nước là việc hy hữu. Ngay lập tức, các cơ quan chức năng liên quan cũng như hệ thống báo chí truyền thông đã nhanh chóng vào cuộc, vụ việc đang dần được sáng tỏ.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã cử các tổ công tác đến Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ cũng thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khắc phục ngay sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch cho người dân.

  Nhìn từ góc độ đời sống xã hội, Hà Nội hiện có gần 10 triệu dân đang sinh sống, trong số ấy có bộ phận không nhỏ là người từ nơi khác đến lập nghiệp hoặc công tác, nên thân nhân họ ở các địa phương cả nước quan tâm là lẽ đương nhiên.

Nhưng Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao… không chỉ mang tầm quốc gia mà ở quy mô quốc tế, nên chuyện Hà Nội gặp khủng hoảng về nước sinh hoạt là điều thực sự mủi lòng.

 Hơn nữa, sự cố lần này cũng không phải lần đầu, bởi liên quan đến việc cấp nước sinh hoạt cho Hà Nội nhiều chục năm qua đã có không ít bất cập, mà những kỷ lục về “sự cố vỡ ống nước” mấy năm trước chỉ là ví dụ điển hình. Vẫn biết nguyên nhân có nhiều lỗi do mất cân đối giữa cung và cầu, giữa khai thác và quản lý phân phối, nhưng chắc chắn trong đó chủ quan do con người là chính yếu.

Hy vọng rằng sau vụ việc này, cần có một cuộc rà soát tổng thể ở quy mô lớn cho vấn đề nước sinh hoạt ở Hà Nội để chấm dứt những tiền lệ không nên hiện hữu như trên. Và câu chuyện về nước sinh hoạt ở Hà Nội cũng là bài học không kém phần quan trọng cho nhiều địa phương trên cả nước.

                                                                                          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông