21:44 13/08/2022 Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra ngày 11/8 với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", một trong những nội dung được bàn thảo là vấn đề phát triển Logistics. Đây cũng là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng liên quan trực tiếp đến mục tiêu phát triển của thành phố Hải Phòng.
Theo đó, vấn đề được khẳng định là phát triển Logistics giữ vai trò là mạch máu lưu thông hàng hoá trong nội địa cũng như quốc tế, kết nối thương mại qua biên giới, phát triển chuỗi cung cứng, các thương hiệu vận tải…
Đồng thời tăng tính kết nối dựa trên các nền tảng trung tâm logistics lớn, kết nối các hệ sinh thái của Việt Nam, đặc biệt hệ thống cảng biển quốc gia . Từ đó tận dụng tối đa sức mạnh và hệ sinh thái, hỗ trợ phát triển đội tàu, cảng mang thương hiệu Việt Nam là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên nhìn lại thực tiễn trong hơn hai năm kể từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, trong vòng xoáy khủng hoảng do dịch bệnh, ngành dịch vụ Logistics trong nước đã bị thiệt hại đáng kể, khi chi phí tăng cao, nhất là cước vận tải, nhưng lợi nhuận lại rơi vào “túi” các hãng lớn của nước ngoài.
Rõ ràng, Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này, cho thấy bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp logistics, vận tải, hàng hải thì cơ chế cần phù hợp với các yếu tố quốc tế, đồng thời hài hoà với điều kiện trong nước là rất cần thiết.
Đối với riêng Hải Phòng, Nghị quyết Đại họi XVI Đảng bộ thành phố xác định rõ, Logistics cùng với thương mại và du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế thành phố giai đoạn mới. Cụ thể là xây dựng và phát triển Hải Phòng thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế.
Nâng cao năng lực xếp dỡ; duy trì độ sâu luồng hàng hải để đón thường xuyên các tàu vận tải có trọng tải trên 200.000 DWT ra vào hệ thống cảng biển; cùng với việc rà soát quy hoạch, phát triển hệ thống kho bãi, các cảng cạn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, mở rộng kết nối hạ tầng logistics của Hải Phòng với các quốc gia về đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không; phát triển hài hòa các phương thức vận tải, quan tâm phát triển, nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa, đường sắt nhằm giảm tải cho đường bộ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, bố trí quỹ đất phù hợp thu hút đầu tư hệ thống trung tâm logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế; kêu gọi đầu tư dịch vụ vận tải, logistics đường hàng không.
Nhưng điều đáng lưu tâm là, ngay thời gian đầu thành phố triển khai mục tiêu trên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI, cũng là lúc hậu quả tác động của dịch bệnh Covid-19 lên đỉnh điểm, là yếu tố khách quan cản trở lộ trình tiến độ thực hiện.
Đến nay, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, tình hình hoạt động kinh tế-xã hội cơ bản vận hành trở lại trong trạng thái bình thường mới, thiết nghĩ những mục tiêu đưa ra cần được đánh giá sơ kết, để từ đó hoạch định chiến lược khởi động phù hợp với hoàn cảnh mới, gồm cả trong nước và quốc tế.
Là cửa ngõ giao thương hàng hải lướn nhất miền Bắc, là cực phát triển trong tam giác kinh tế đồng bằng sông Hồng, được định hướng vai trò đầu tàu khu vực duyên hải theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, vì vậy dù muốn hay không thì kinh tế Hải Phòng, trong đó có trụ cột Logistics cũng đã được đặt trong xu hướng phát triển tất yếu. Hy vọng rằng nội dung này sẽ tiếp tục được quan tâm, để khai thác hiệu quả và tương xứng với tiềm năng, vị thế thành phố Cảng.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão