Chuyện thời cuộc: Quản lý lòng tham

08:29 19/04/2020

Có thể khẳng định, cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra mặc dù rất cam go, phức tạp, nhưng đã cho thấy tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam càng rạng ngời.

(HÌnh ảnh minh họa)

          Thời gian qua, Hải Phòng cũng như cả nước, ở đâu cũng thấy lan tỏa những hình ảnh nhân văn vô cùng sâu sắc, phản ánh sự sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng người Việt Nam trước những khó khăn mà dịch bệnh gây ra.

Từ hoạt động của các cơ quan công sở, các tổ chức xã hội, chính quyền các địa phương cũng như lực lượng vũ trang, cho đến các hội từ thiện, nhà hảo tâm và của từng cá nhân, chia sẻ cho nhau những chiếc khẩu trang, vật dụng phòng hộ, lương thực, thực phẩm và nhiều hàng hóa khác, đã góp phần kết dính chặt hơn khoảng cách xã hội. Điều mà gần đây đã được gói gọn trong một khái niệm mới, đó là “văn hóa đồng bào”.

          Tuy nhiên, bên cạnh những điều vô cùng tốt đẹp ấy, vẫn diễn ra những tình cảnh khiến người ta mủi lòng, chẳng hạn như hình ảnh chen lấn nhau khi nhận hỗ trợ tại các điểm tự phát, đang được cộng đồng chia sẻ được cho là diễn ra ở một thành phố lớn. Dù hình ảnh này không diễn ra tại Hải Phòng, nhưng cũng xem như một bài học không kém phần sâu sắc trong công tác hỗ trợ, cứu trợ, thiện nguyện, bởi lẽ một hình ảnh vốn rất nhỏ so với cả hệ chuỗi tấm lòng bao la, cũng dễ tạo ra sự nhoi nhói phản cảm.

          Còn tại Hải Phòng, các hoạt động hỗ trợ xã hội tự phát, khi tạo thành điểm, khi lưu động, trên tinh thần phụ thuộc vào tính tự giác xã hội, cũng xuất hiện những cảnh không mấy toại nguyện. Dù thông điệp “Nếu khó khăn, cứ lấy một phần - Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác” đã được chia sẻ, nhưng có một số người kinh tế khá ổn, thậm chí rất ổn, vẫn phát sinh lòng tham nhận lấy phần hỗ trợ, khiến cơ hội cho những người thực sự khó khăn bị bớt đi.

          Một số người dân phàn nàn rằng, những người nghèo thì đa phần ở trong ngõ sâu, nhưng hàng cứu trợ chưa kịp đến, có khi đã bị một số người nhà mặt đường lấy hết, nhất là gạo đóng bao và một số hàng hóa có giá trị. Câu nói “Có mấy ai ở nhà mặt đường mà thiếu thốn như chúng tôi đâu?” của người dân nghèo không đơn thuần chỉ là sự trách móc, mà còn thể hiện một thực tế xã hội không thể khuyến khích, nhất là trong lúc này.

          Thiết nghĩ, để nỗi buồn nêu trên không tái diễn, hoạt động thiện nguyện cũng nên có những hình thức phù hợp, nên có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và các tổ chức chuyên trách, để những điều tốt đẹp cập đúng bến bờ. Bởi lẽ, người ta có thể quản lý được cả xã hội, nhưng rất khó quản lý lòng tham, tính ích kỷ của từng con người, dù đó là số nhỏ.

                                                                                          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông