Chuyện thời cuộc: Quản lý tài nguyên đất

17:34 18/09/2022

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố liên tục diễn ra các hoạt động chấn chỉnh liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất. Đặc biệt là cưỡng chế giải phóng mặt bằng, xử phạt vi phạm hành chính, giải tỏa các diện tích đất hoặc tài nguyên khác bị xâm phạm bất hợp pháp. Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của thành phố, nhằm thiết lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Mọt khu vực bị lấn chiếm vừa được quận Ngô Quyền cưỡng chế giải phóng mặt bằng phục vụ dự an đường Đông Khê 2.

          Có thể thấy, từ việc xử lý sai phạm trong sử dụng đất nông nghiệp ở nông trường Quý Cao (Tiên Lãng), ở xã Hữu Bằng (Kiến Thụy), giải tỏa các bãi nuôi ngao không phép ở các quận huyện Hải An, Kiến Thụy, Tiên Lãng… cho đến cưỡng chế giải phóng mặt bằng dự án đường Đông Khê và cải tạo vỉa hè đường Lạch Tray (Ngô Quyền) đều thể hiện sự vào cuộc quyết liệt và thực sự hiệu quả của các lực lượng chức năng.

          Nhìn vào quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh việc quy hoạch, kết cấu lại những hạ tầng tồn tại từ lịch sử, Hải Phòng cũng như cả nước đều phải coi trọng gìn giữ, tái tạo, bảo tồn nguồn quỹ tài nguyên để phục vụ phát triển lâu dài.

          Cùng với đó, quá trình thay đổi kết cấu cũng sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp. Nhưng mục đích chung là hướng tới những điều tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.

          Điều đáng mừng là, suốt thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn từ 2015 đến nay, thành phố đã có bước đột phá trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế và hạ tầng đô thị.

          Hầu hết các mục tiêu lớn đều đạt yêu cầu, đảm bảo tiến độ, góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo thành phố, trong đó có sự hưởng ứng rất lớn của cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng cần phải cảm thông với những khó khăn của một bộ phận người dân trong cuộc, khi chịu ảnh hưởng để đem lại niềm hứng khởi cho cả xã hội.

          Nhưng cũng đáng nói là trong tiến trình đó, đã phát sinh không ít hệ lụy từ những hành vi cơ hội, được tạo ra bởi sự kết hợp giữa lòng tham, sự ích kỷ với thiếu trách nhiệm của một vài nhóm lợi ích, đã bất tuân pháp luật mà lợi dụng vi phạm để trục lợi. Hiển hiện là việc lấn chiếm, cơi nới, sử dụng sai mục đích nguồn tài nguyên đất, thậm chí đến mức công nhiên.

          Đến khi lợi ích không chính đáng này bị vỡ lở, lại phát sinh tiếp những hiện tượng đấu tranh, yêu sách, khiếu kiện kéo dài và cả gây rối, gây bất ổn tình hình ANTT xã hội.

          Để khắc phục những hậu quả đó, các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã phải rất tốn công, tốn của, huy động lực lượng lớn. Trong khi để vận hành nguồn lực này, đương nhiên là sự đóng góp chung của toàn dân, nói cách khác, một phần lợi ích chính đáng của Nhân dân đã bị tổn hại chỉ vì một vài nhóm lợi ích.

          Từ thực tế cho thấy, rất ít người trong số này không nhận thức được sai phạm, mà chẳng qua vì cái lợi của riêng mình mà tự “mờ mắt”, đến khi bị thất bại nếu không đổ lỗi được cho chính quyền thì cũng “lừa phỉnh” dư luận rằng do thiếu hiểu biết, do nhận thức pháp luật hạn chế.!?

          Trở lại với những hoạt động quyết liệt và quyết tâm của thành phố thời gian qua, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những yếu tố tích cực, thì hậu quả chúng ta đang giải quyết cũng chính là sự lỏng lẻo, là kẽ hở kéo dài của một quá trình quản lý, không thể cứ đổ lỗi cho “lịch sử để lại”.

          Đây cũng là một bài học đắt giá cần được đúc rút, để trên tiến trình phát triển mới tránh bị lặp lại những vết cũ, có được như vậy mới tự tin hướng đến sự bền vững trong tương lai.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông