16:00 06/08/2019 Trong 12 tháng tính theo âm lịch, ngoại trừ dịp Tết Nguyên đán truyền thống, thì tháng Bảy có lẽ là tháng thu hút nhiều nhất sự quan tâm của cộng đồng, bao gồm cả tập tục văn hóa và những yếu tố tác động của tự nhiên.
Hình ảnh minh họa
Trong đó, nổi bật là hai cụm sự kiện gắn với Rằm tháng Bảy là lễ “Vu Lan” và “xá tội vong nhân”, một là để báo hiếu tổ tiên đã khuất, hai là chia sẻ với những cô hồn lang bạt không nơi nương tựa.
Dù hiểu theo nghĩa nào, thì cúng Rằm tháng Bảy phải nói là một tập tục đẹp, xuất phát từ đạo lý thuần phong. Vào dịp này, người ta đồng thời lễ bái tổ tiên và phát thí bạt hồn, thả cá xuống nước, phóng chim lên trời, làm những điều tu nhân tích đức. Đốt mã Vu Lan với tất cả ý nghĩa về đạo đức, là một tập quán hướng thiện, nhiều người coi đây như ngày sum họp gia đình, để tưởng nhớ tổ tiên, gắn kết tình thân trợ giúp nhau trong cuộc sống.
Khi cúng chúng sinh, người ta tin rằng cô nhi yểu vong, người chết vô thừa nhận sẽ là đối tượng được “thụ hưởng” những lễ vật được bày biện. Nên mới có tục khi đốt mã xong bố trí cho thật nhiều trẻ nhỏ “cướp chúng sinh”, như thể tái trần cái cảnh vong nhân đói khát được mở cửa phóng thích kiếm ăn, cho rằng thế mới linh ứng.
Nhân văn là vậy, nhưng giờ đây tập tục cũng “tiến hóa” theo thời thế, bị suy diễn theo cách nghĩ của từng người. Dẫu vẫn từ quan điểm “dương sao âm vậy”, nhưng phong tục truyền thống đã bị “người trần mắt thịt” làm mất đi diện mạo cổ truyền.
Nét đẹp của văn hoá tín ngưỡng đang bị một bộ phận người dân biến tướng sỗ sàng, không chỉ tốn kém tiền của mà còn làm ảnh hưởng đến cả hệ tri thức của một thời đại văn minh, những điều lẽ ra không đáng có.
Chẳng hạn về hàng mã, trước kia chỉ đơn giản là ngựa được đan bằng cốt tre, trang trí bằng giấy, kèm theo quần áo, giầy hia, mũ cánh… mô phỏng theo trang sức của một chức sắc thời phong kiến.
Nhưng giờ đây, phong tục cũ ngày càng được phát triển theo trí tưởng tượng phong phú, nhưng có một nét cơ bản nhất là người ta đều cầu mong cho những lợi ích thực dụng cho cuộc sống hiện tại. Rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cầu là được, ước là thấy, đốt tiền giả được trả bằng tiền thật, lấy lòng người âm để được phù hộ khỏe mạnh, làm ăn suôn sẻ, thăng quan tiến chức...
Đáng nói là, kinh tế càng khó thì không khí tâm linh Rằm tháng Bảy càng tỏ ra nhộn nhịp. Phải chăng những ham muốn thực dụng đã làm thay đổi ý nghĩa của “báo hiếu tổ tiên” và “xá tội vong nhân”, và dường như điều này đang góp phần kéo lùi bước tiến của xã hội.
Hoàng Minh
14:29 23/11/2024