15:37 22/02/2023
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11/2/2023 về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó yêu cầu các địa phương chú trọng đến chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật đất đai.
Nhìn lại lịch sử, ngay thời gian đầu tiên thành lập nước năm 1945, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt chú trọng đến chính sách đất đai. Chính vì vậy, giữa muôn vàn khó khăn của nạn thù “thù trong, giặc ngoài”, thời điểm đó khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã được đặt ra là một trong những động cơ chính yếu của cách mạng, nhằm phục vụ lợi ích Nhân dân của một nước độc lập, tự do.
Đất đai là chủ quyền, lãnh thổ thiêng của Tổ quốc gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, không gian sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tài nguyên, nguồn lực vô cùng to lớn để phát triển đất nước. Bước vào thời kỳ mới, đất đai đã phát huy tích cực vai trò là tư liệu sản xuất đặc biệt tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội.
Trong suốt quá trình đó, chúng ta có rất nhiều văn bản chính luật về quản lý và sử dụng đất đai. Nổi bật là Luật Đất đai đầu tiên được ban hành năm 1987, thể chế hóa những quy định về đất đai của Hiến pháp năm 1980, đặt nền móng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai đi vào nền nếp. Kể từ đó, công cuộc đổi mới do Đảng phát động đã làm thay đổi toàn diện đất nước, đòi hỏi việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi Luật đất đai nói riêng cũng như hệ thống văn bản Pháp luật nói chung thích ứng với yêu cầu phát triển, nhất là trên tiến trình hội nhập quốc tế.
Sau khi Hiến pháp 1992 được ban hành, Luật Đất đai năm 1993 ra đời tiếp tục thể chế hóa những quan điểm đổi mới về quản lý, sử dụng đất đai, đến năm 1998, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai, tiếp đó vào các năm 2003 và năm 2013. Đến nay, qua gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là việc sử dụng đất đai có hiệu quả trong phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở các đô thị.
Mặc dù vậy, quá trình thực hiện cũng như hoàn cảnh phát mới cho thấy Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa khai thác đầy đủ thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển. Công tác thu hồi đất, bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư nhiều nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người có đất thu hồi, nhà nước và nhà đầu tư. Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra phức tạp, có những nơi thành điểm nóng về ANTT.
Hơn nữa, thực tế cho thấy, vẫn còn những “kẽ hở” trong luật dẫn đến việc lợi dụng “biến” đất công thành đất tư, chuyển nhượng trái pháp luật, nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng đã được phát hiện và xử lý. Trong khi đó, lợi dụng những kẻ hở này, các đối tượng thù địch, chống đối, cơ hội cũng không ngừng kích động, chống phá, nhằm xuyên tạc chính sách pháp luật Việt Nam, hòng gây bất ổn hệ thống chính trị cũng như nhằm trục lợi chính sách.
Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai đang được lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, kiều bào, tổ chức quốc tế... để Nhà nước lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai, với mục tiêu cao nhất là thông qua Luật Đất đai sửa đổi có chất lượng cao, bảo đảm thực hiện hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, đây là cơ hội lớn phát huy tinh thần dân chủ, để Nhân dân nói lên tiếng nói với vai trò làm chủ, góp phần hoàn thiện thể chế Pháp luật, xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão