Chuyện thời cuộc: Tâm lý tiêu dùng

15:33 02/12/2019

“Đến hẹn lại lên”, cứ đến dịp cuối năm, sản phẩm xe máy của các hãng chủ lực trên thị trường lại bị làm giá chóng mặt. Đặc biệt là những thương hiệu lớn đến từ Nhật Bản.

Hình ảnh minh họa

Kết quả khảo sát thị trường cho thấy, hiện giá bán lẻ tại các đại lý xe máy Nhật cơ bản cao hơn giá đề xuất của nhà sản xuất. Đứng đầu danh sách vẫn là sản phẩm của hãng Honda, mức chênh lệch từ vài triệu đồng, thậm chí là hàng chục triệu đồng/chiếc.

          Thực ra, câu chuyện chênh lệch giá bán giữa đề xuất của nhà sản xuất và các đại lý không phải là mới mẻ, mà diễn ra nhiều năm qua. Có quan điểm cho rằng, tình trạng này đang gây tổn hại lớn cho người tiêu dùng, khi phải bỏ ra số tiền lớn so với giá trị thực của sản phẩm? Thậm chí một số cơ quan chức năng cũng đã và cuộc, nhưng chưa thể khắc phục đây là mối quan hệ “mua đứt bán đoạn” giữa nhà sản xuất và hệ thống đại lý.

Theo đó, nhà sản xuất cho rằng, giá đề xuất chỉ mang tính tham khảo, còn họ không can thiệp vào giá bán lẻ trên thị trường của đại lý. Và đương nhiên đối với các đại lý, thật khó mà xử lý khi mà họ vẫn tuân thủ nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”, yếu tố được pháp luật bảo hộ trong thương mại, đối với những mặt hàng không bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh.

Ở đây, cần phải thấy rõ một điều là ở thị trường Việt Nam, yếu tố tâm lý đang áp đặt mạnh mẽ quyết định của người tiêu dùng. Đơn cử, xe máy thương hiệu Ý chưa chắc đã vượt trội so với thương hiệu Nhật kể cả về kiểu dáng lẫn chất lượng, nhưng người tiêu dùng luôn sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn hơn rất nhiều đề sở hữu xe Ý.

Trong khi đó đối với xe Nhật, nhưng người am hiểu cho rằng về chất lượng thì sản phẩm Honda hay Yamaha đều khó vượt qua được hãng Suzuki, về mẫu mã thì Yamaha có phần nhỉnh hơn Honda, nhưng thực tế thì Honda vẫn đang chiếm thế thượng phong trên thị trường xe máy Hải Phòng cũng như cả nước.

Rõ ràng, vấn đề tâm lý đang áp đặt vào lối chơi và từ đó tạo ra bất cập trong việc điều chỉnh giá bán trên thị trường. Bởi vậy, việc cho rằng người tiêu dùng đang bị tổn thất từ thực trạng xe máy bị đội giá xem ra chưa thực sự thuyết phục, khi mà còn quá nhiều sự lựa chọn.

Hơn nữa, trong cơ chế vận hành của kinh tế thị trường, việc kinh doanh những mặt hàng không bị pháp luật cấm đều có quyền bình đẳng, được điều chỉnh bằng quy luật cung – cầu. Thiết nghĩ, có không ít vấn đề thương mại cần sự vào cuộc, nhưng không phải chuyện gì cũng “đổ lỗi” cho chính sách, khi mà quyền tự quyết vẫn ở trong tay người tiêu dùng.

                                                                                Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích