Chuyện thời cuộc: Thảm họa giáo dục

00:07 27/07/2018

Như Báo An ninh Hải Phòng đã đưa tin, sau những dấu hiệu bất thường về kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang, cơ quan chức năng đã vào cuộc, và vụ gian lận chưa từng có từ trước đến nay đã được phanh phui.

Vì một môi trường giáo dục lành mạnh (ảnh minh họa)

Kết quả rà soát ban đầu đưa ra những thông tin gây chấn động: Một phó trưởng phòng khảo thí của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang đã trực tiếp can thiệp vào kết quả ở 330 bài thi. Rất nhiều thí sinh đã được hưởng một thứ “điểm giả”, thậm chí có thí sinh được nâng tổng điểm tới 29,95 so với điểm chấm thẩm định.

Sự việc đã khiến dư luận bàng hoàng, mức độ nghiêm trọng đến nỗi Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo Bộ Công an và Bộ Giáo dục đào tạo tiếp tục vào cuộc, phối hợp xử lý nghiêm túc.

Vấn đề đặt ra là, vụ việc xảy ra không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng ở tỉnh Hà Giang, mà còn gây tổn hại đến tương lai của những thí sinh khác trên cả nước, vì kết quả kỳ thi THPT quốc gia là cơ sở để xét tuyển vào các trường chuyên nghiệp. Hơn thế, những suy diễn theo hướng tiêu cực cho thấy sự xuống cấp mang tính hệ thống, làm tổn hại tới cả nền giáo dục đào tạo của nước nhà.

Có lẽ chính vì thế mà vụ việc Hà Giang đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận, được xem như thảm họa, thậm chí như “quả bom” nổ chậm, đòi hỏi phải được xử lý minh bạch, nghiêm khắc và rõ ràng.

Mặt khác, một lo ngại nữa là vụ việc sẽ tạo ra duyên cớ  làm phát sinh những cuộc “phẫu thuật” mới đối với ngành Giáo dục, vốn dĩ lâu nay rất "nóng". Nhiều ý kiến cho rằng, sau vụ việc này rất có thể lại có những sáng kiến mới về tổ chức giảng dạy, học tập và thi cử, và môi trường giào dục tiếp tục đóng vai trò thử nghiệm, còn các giáo viên cũng như học sinh lại tiếp tục trở thành đối tượng… thí nghiệm?

Dù đó chỉ là một số ý kiến suy diễn, nhưng không phải không có cơ sở. Nhưng nỗi lo là ở chỗ, giả như câu chuyện tương tự tiếp tục, thì một nguồn lực không nhỏ của ngân sách quốc gia sẽ lại đổ vào những công trình tốn kém, mà hiệu quả thì ngược lại.

Trở lại với vụ việc ở Hà Giang, sau khi thảm họa”được công bố, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi cho tính chân thực của nhiều địa phương khác. Vẫn biết việc làm rõ có hay không thực trạng tương tự, nhưng thiết nghĩ trước mắt vụ “Hà Giang” cần phải được xử lý kiên quyết và triệt để, không phải để trấn an dư luận, mà mục tiêu cao hơn là trả lại đúng giá trị cho nền giáo dục.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông