Chuyện thời cuộc: Tham nhũng quyền lực

10:27 25/10/2017

Một trong những nội dung lớn được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XII thảo luận, chính là công tác cán bộ.

Qua hàng loạt sai phạm trong công tác cán bộ gần đây, cho thấy biểu hiện lạm quyền của không ít cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đó là những trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa công tâm, thiếu khách quan, có yếu tố “lợi ích nhóm”; mang tính áp đặt, bố trí không đúng năng lực, sở trường; bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn…

Thực trạng đó tạo cơ hội cho tham nhũng quyền lực, chính vì vậy vấn đề cốt lõi được đặt ra là đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực.

Kết quả thanh tra năm 2016 của Bộ Nội vụ đã chỉ 9 địa phương, đơn vị có hiện tượng “cả nhà làm quan”. Còn kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của Ủy ban Kiểm tra các cấp cho thấy, tình trạng lạm quyền trong công tác cán bộ có dấu hiệu gia tăng với những biểu hiện phức tạp.

Dư luận cũng đã bày tỏ bức xúc trước hiện tượng “cả nhà làm quan”, “cả cơ quan làm lãnh đạo”, hay “loạn cấp phó”, “bổ nhiệm thần tốc”, bổ nhiệm hàng loạt trước khi về hưu... Hệ lụy của những dấu hiệu này không chỉ phương hại uy tín của Đảng, của cơ quan, địa phương, đơn vị, giảm sút niềm tin trong nhân dân, mà còn kìm hãm sự phát triển chung, cần được nhận diện để kịp thời ngăn chặn.

Những động thái quyết liệt của Trung ương thời gian vừa qua đối với các hành vi vi phạm trong công tác cán bộ, đang củng cố niềm tin của nhân dân, dấy lên hy vọng to lớn vào công cuộc đổi mới, cải tổ của Đảng như tinh thần các Nghị quyết TW4 khóa XI và XII. Nhưng giá như những người trong cuộc, cụ thể là những cán bộ vi phạm, vốn dĩ đã trải qua một thời gian dài phấn đấu, rèn luyện, lẽ ra nhận thức được hết vấn đề, tránh được những cám dỗ vật chất hay “nợ nghĩa”, “nợ đời”… Để đến lúc sơ sẩy mà đánh mất cả cơ đồ sự nghiệp, hơn thế còn mang “bia miệng tiếng đời”  

Về công tác tổ chức, những vi phạm kể trên cũng là bài học sâu sắc, về thực hiện quy chế dân chủ, về chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, Chính quyền. Giá như quyền dân chủ được tôn trọng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chú trọng thực chất hơn, giá như những vi phạm nhỏ được khắc phục ngay từ lúc manh nha, thì sẽ không có cơ hội trở thành vi phạm lớn.

Và tham nhũng quyền lực cũng khó trở thành khái niệm phổ biến, tồn tại trong xã hội như một ung nhọt.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông