Chuyện thời cuộc: Thận trọng với tin ảo

21:35 25/02/2022

Trong diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, với những gì xảy ra trong hai năm qua, cho thấy vai trò của truyền thông ảnh hưởng rất lớn đến phương pháp tiếp cận và ứng xử với đại dịch này trong cộng đồng xã hội. Dẫu vẫn biết là chuyện chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhiều giải pháp, biện pháp ứng phó với dịch bệnh có thể chưa phù hợp, nếu đặt trong từng hoàn cảnh và bối cảnh khác nhau.

(Ảnh minh họa)

Nhưng đối với chuyện phát ngôn và truyền thông, bên cạnh những thông tin được khai thác tích cực, còn có không ít thông tin sai lệch, bịa đặt hoặc suy diễn làm xấu đi tình hình, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với cộng đồng xã hội. Chẳng hạn những ngày gần đây, cư dân mạng chia sẻ một thông tin cho rằng “Covid-19 để lại 203 di chứng”?

Qua kiểm chứng cho thấy, xuất nguồn thông tin này lại được một số cơ quan báo chí dẫn từ trang mạng nước ngoài. Nội dung trích từ một trang báo như sau: “Nghiên cứu mới cho thấy những người từng mắc Covid -19 có thể chịu đựng tới 203 di chứng… kết luận trên được đưa ra trong nghiên cứu quy mô quốc tế lớn nhất từ trước tới nay…được đăng trên tạp chí EclinicalMedicine của Lancet, khảo sát 3.762 người mắc Covid-19 kéo dài ở 56 quốc gia..”?

Với những thông tin mù mờ nêu trên, thật khó mà hội tụ đầy đủ các yếu tố khoa học để kết luận, nhưng nó được đưa ra giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 leo thang ở nước ta, quả thật là không tích cực, thậm chí tác động xấu tới tâm lý một bộ phận không nhỏ cộng đồng xã hội.

Trong khi mà cả thế giới, bao gồm cả những quốc gia phát triển nhất, với sự vào cuộc của những nhà khoa học uy tín nhất, nhưng đến nay thực tế chỉ một công trình mang tên Vắc – xin vẫn chưa thực sự được hoàn thiện.

Vậy mà vẫn có công trình nghiên cứu khoa học chỉ mất thời gian ngắn đã tìm ra được tới 203 di chứng quả thật khó tin, khi mà di chứng là vấn đề dài hạn, hình thành bởi nhiều nguyên nhân, trong hơn hai năm chưa đủ để xuất lộ.

Hơn nữa việc đánh giá tính chất ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, với hàng trăm triệu người đã mắc Covid-19 không phải là chuyện dễ dàng. Nên chủ quan mà nói, đây là thông tin ảo, không đủ cơ sở khoa học. Đáng tiếc nó lại xuất hiện trên một số cơ quan truyền thông chính thống.

Liên quan đến thông tin về dịch bênh Covid-19, thời điểm dịch mới xuất hiện ở Việt Nam, một quan chức mang hàm nhà khoa học chuyên ngành phát biểu với truyền thông rằng: “Chỉ có khẩu trang y tế mới chống được virus…”, góp phần làm cho thị trường khẩu trang y tế được phen náo loạn.

Cũng thời điểm này, một quan chức cũng mang hàm nhà khoa học chuyên ngành khác phát biểu: “Virus gây bệnh Covid sẽ tự diệt trong nhiệt độ từ 25 độ C trở lên…”. Nhưng thực tế đến nay cả hai phát ngôn này đều cho thấy sự lỡ trớn.

Cũng trong vòng xoáy của đại dịch, nhiều thông tin về “thành tựu” bị thổi lên quá mức, như việc các nhà khoa học Việt “đi đầu trong nghiên cứu sinh phẩm, vắc – xin…”, rồi đến chuyện một danh mục thuốc được cho là có tác dụng điều trị Covid-19 đã được ban hành rồi phải thu hồi.

Ở chiều ngược lại, gần đây một bộ phận người dân đua nhau bỏ ra lượng tiền không nhỏ để mua những vật phẩm được cho là thuốc trị bệnh nhập khẩu, nhưng không có gì chứng minh công dụng cũng như nguồn gốc, xuất xứ đáng tin cậy.

Người dân thì luôn là dân, có thể là ngộ nhận do trình độ nhận thức, có thể vì niềm tin đã thành truyền thống đối với hệ thống thông tin chính thống cũng như các nhà mang danh khoa học, có địa vị trong xã hội.

 Nhưng thiết nghĩ đối với người có trách nhiệm, trong hoàn cảnh nhạy cảm, mọi phát ngôn cũng như thông tin cần phải được chắt lọc, dựa trên cơ sở khoa học, suy luận biện chứng, không thể theo cảm tính chủ quan, để tránh những hệ lụy không đáng có.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông