Chuyện thời cuộc: Thay thịt lợn bằng thịt bò

10:02 16/08/2019

Trong mấy năm trở lại đây, sản phẩm lợn thịt nằm trong số những mặt hàng nông sản biến động mạnh mẽ nhất, với việc biểu đồ giá chạy theo hình “sin”, có độ chênh kỷ lục giữa đỉnh và đáy chưa từng xảy ra trước đó.

                                                                 

(Hình ảnh minh họa)

Cụ thể tại thị trường Hải Phòng, vào năm 2017 giá lợn hơi có lúc xuống mức 15.000 đồng/kg, trong khi cuối năm 2019 có thời điểm lên tới 60.000 đồng/kg. Còn trong đợt dich tả châu Phi hoành hành vừa qua, giá lợn hơi giảm xuống tới 35.000 đồng/kg, hiện đang ở mức 45.000 đồng/kg, trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt.

Trước thực trạng buồn của lợn thịt, gần đây có ý kiến cho rằng cần thay thế mặt hàng này bằng cách phát triển chăn nuôi bò, vừa bảo đảm nguồn thịt, nguồn sữa, vừa chống được dịch bệnh.

Bên cạnh những dẫn chứng chuyên môn, nhóm quan điểm chủ trương nội dung này cho rằng, những năm qua mâm cơm của người Việt không còn thành phần chính là thịt lợn mà có thêm các thực phẩm khác, nên định hướng người dân chuyển sang tiêu dùng thịt bò là hợp lý?

Cách lập luận này có phần phù phiếm, bởi lẽ cơ cấu bữa ăn của người dân từ trước đến nay rất khó định lượng, và càng không thể là nguyên nhân gây ra những biến động của thị trường lợn thịt, kể cả khi không có dịch tả lợn.

Vả lại, chủ ý chuyển hướng mang tính thay thế trên diện rộng như vậy không chỉ khó áp dụng mà còn tiềm ẩn nguy cơ bội thực thị trường khi mà trào lưu không được kiểm soát.

Trong khi đó, do đặc thù sinh trưởng nên tính cùng một đơn vị sản phẩm thì chi phí giá thành của thịt bò cao hơn thịt lợn rất nhiều, chưa nói đến việc hai loại thịt dù giá trị khác nhau nhưng không thể thay thế cho nhau theo nhu cầu sử dụng.

Dù vẫn biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng, nhưng điều quan trọng hơn là phải tính đến thị trường, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất. Mặt khác, lợn là mặt hàng chăn nuôi truyền thống mang tính phổ biến hơn, không nên chỉ vì một khoảnh khắc gặp khó mà quay lưng.

Chung quy lại, đã là kinh tế thị trường thì phải tính đến sự vận động của quy luật cung cầu. Tuy nhiên vấn đề không phải do biến động giá hay dịch bệnh, mà riêng chuyện nuôi lợn, hiện việc tiêu thụ ở đâu, nếu xuất khẩu thì tới thị trường nào, bao nhiêu phần trăm chính ngạch, bao nhiêu phần trăm tiểu ngạch, còn lại bao nhiêu có mặt trong bữa ăn của người dân nội địa?

Dường như câu chuyện này còn quá bí ẩn, mà hiển nhiên để có được các số liệu điều tra, khả năng cá thể người chăn nuôi không thể thực hiện, thực tế chỉ có thể là các cơ quan quản lý.

Đã không có kết quả điều tra thị trường, thì chưa thể nói đến chuyện quy hoạch chăn nuôi và quản lý đầu ra cho sản phẩm. Rõ ràng, đây là vấn đề lớn mang tính lâu dài, nếu không có chiến lược thiết thực, thì mọi giải pháp tức thời đều khó thắng nổi sự vận động của quy luật cung cầu, mà câu chuyện của lợn thịt chưa chắc đã phải là cuối cùng.

Mới hay, chuyện thay thịt lợn bằng thịt bò chắc cũng không dễ.

Hoàng Minh

         

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích