Chuyện thời cuộc: Thêm chuyện “nhầm” thời Covid-19

18:17 01/09/2020

Tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên, tỉnh này đã làm rõ việc chấm phúc khảo bài thi môn toán của thí sinh Mai Chiến Th. trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua.

(Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)

Theo đó thí sinh Th. mang số báo danh 100507 được thông báo điểm lần đầu môn toán là 0,5, những điểm phúc khảo sau đó lại lên tới 9,75, nguyên nhân được lý giải là cán bộ chấm thi khi ghi vào phiếu thống nhất đã ghi số không rõ ràng (9,5 giống với 0,5).

Có thể nói đây là một sự nhầm lẫn tai hại, nếu không được làm rõ hậu quả rất khó lường, bởi điểm thi có ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như tương lại và sự nghiệp của một học trò đang bắt đầu vào tuổi lớn.

Người viết bài này nghĩ rằng, học sinh Mai Chiến Th. có niềm tin khi yêu cầu phúc khảo, niềm tin ấy là năng lực thực sự trong quá trình học tập cũng như trong bài thi mà em đã thể hiện.

Lẽ thường, trong cuộc sống thực tế, chuyện nhầm lẫn không phải là hiếm, có thể là hành vi, có thể là lời nói, cũng có thể là nhận thức. Nhưng đôi khi sự nhầm lẫn để lại hậu quả khó lường, như việc “cách ly nhầm” những trường hợp bị coi là F1 trong dịch Covid-19 ở tỉnh Quảng Trị mà báo ANHP từng đề cập là một ví dụ.

Hay như mới đây, trong bản tin buổi sáng trên kênh của Đài truyền hình Trung ương, khi thông tin về các ca nhiễm Covid-19 mới, phát thanh viên đọc nhầm địa phương Hải Dương thành Hải Phòng.

Mặc dù trong nội dung thông báo, tin đã phát đúng là Hải Dương, dù phía TP Hải Phòng cũng ngay lập tức có phản ứng đề nghị đính chính, nhưng không phải người dân nào cũng được biết rõ những điều sau sự cố “phát” nhầm ấy.

Hậu quả, tin “miệng” được truyền đi, dẫn đến một bộ phận người dân bị dao động, kéo nhau đi mua tích trữ lương thực, thực phẩm. Rất may sự việc đã được giải quyết, vì người bị “nhiễm” tin trên chỉ là cục bộ.

Trở lại với trường hợp nhầm điểm thi của học sinh Mai Chiến Th., đáng mừng là dư luận kịp lên tiếng và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời vào cuộc. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, trong vẫn có những dấu hỏi bày tỏ sự ngờ vực, sự nhầm lẫn tưởng như rất nhỏ, nhưng nếu xử lý không tốt sẽ trở thành chuyện không nhỏ.

Mới hay, vẫn biết nhầm lẫn là chuyện bình thường, nhưng trong lĩnh vực công vụ, nhận thức, phát ngôn hay hành vi của người thực thi cần phải được chuẩn mực. Giả như mọi sự được chuẩn bị tốt hơn, thận trọng hơn, trách nhiệm hơn, tin rằng xác suất “nhầm” lẫn cũng sẽ giảm nhiều hơn.

                                                                                          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông