Chuyện thời cuộc: Thị trường “phòng, trị bệnh”

21:34 25/02/2022

Từ trước đến nay, các sản phẩm liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân vẫn luôn tồn tại dưới dạng hàng hóa, nhưng là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, được kiểm duyệt và kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên bên cạnh những sản phẩm chính thống, có không ít loại hàng hóa ngoài luồng xuất hiện, thậm chí là những sản phẩm tưởng như không phải đặc thù riêng của chuyên ngành, nhưng lại núp bóng để khuấy đảo thị trường, mà trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gia tăng, điều này càng rõ.

(Ảnh minh họa)

          Còn nhớ vào thời điểm đầu năm 2020, khi Việt Nam mới xuất hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, có một cán bộ chủ chốt trong ngành chuyên môn “hướng dẫn” trên truyền thông, đại ý rằng để chống Covid phải dùng khẩu trang y tế… Vậy là ngay lập tức sản phẩm khẩu trang y tế tạo ra cơn sốt khủng khiếp trên thị trường, giá bán có lúc tăng gấp hơn một trăm lần so với thời điểm trước đó.

Nhân cơ hội này, hàng loạt cơ sở sản xuất… “khẩu trang y tế” đã ra đời, đưa ra thị trường muôn vàn sản phẩm, nhiều vụ việc vi phạm đã được cơ quan chức năng phát hiện, trong đó có Hải Phòng. Và một thời gian sau, người ta nhận ra rằng đối với dịch bệnh Covid-19, giá trị khẩu trang cơ bản không khác gì nhau, thị trường mặt hàng này đã trở về vạch xuất phát.

Cũng những năm gần đây, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thoạt đầu được gọi là thuốc, được quảng bá chữa trị bách bệnh. Rồi sau đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau, sản phẩm loại này được đổi tên là thực phẩm chức năng, thu hút sự quan tâm của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng.

Mặc dù sản phẩm loại này cũng do ngành chuyên môn quản lý, nhưng công tác quản lý có phần chưa chặt chẽ, nên mới có chuyện một cơ sở ở Hải Phòng nghiền than tre thành dược phẩm Vinaca để “trị bệnh ung thư”, nổi đình nổi đám cho đến khi vỡ lở.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường bắt đầu xuất hiện các sản phẩm có tác dụng điều trị cho bệnh nhân dương tính. Bên cạnh những sản phẩm đã được thẩm duyệt, có rất nhiều sản phẩm khác được quảng bá như thần dược, lan truyền trong cộng đồng và rao bán công khai trên mạng xã hội, được cho là nhập khẩu từ những quốc gia phát triển.

Trớ trêu thay, những quốc gia này cũng nằm trong nhóm các nước dẫn đầu về mắc dịch Covid-19, và có tỷ lệ bệnh nhân tử vong cũng thuộc diện đứng đầu thế giới.

Lại đến câu chuyện Kit test nhanh Covid-19, khi nhu cầu tự test trong cộng đồng lên cao, thị trường ngay lập tức đáp ứng. Nhưng cũng ngay lập tức, thị trường có nhiều loại Kit không rõ nguồn gốc, nhất là loại Kít được cho là chỉ cần chiết dịch từ nước bọt, tránh được cảm giác khó chịu cho người lấy mẫu dịch. Mấy ngày gần đây, nhiều người đã kêu than trên mạng vì mua phải Kit “đểu”, chỉ cho những khoảng loang chứ không phải một hay hai vạch trên ô báo.

Dẫn đến tình trạng trên, rõ ràng vì nhu cầu, vì tiết kiệm hoặc vì niềm tin ngộ nhận mà người tiêu dùng đã tiếp tay cho những hành vi “đục nước thả câu”. Nhưng cũng cần thấy rằng trong đó có một phần đáng kể sự lơi lỏng, có thể là bị động của công tác quản lý, khi thị trường liên tục vận động theo quy luật cung – cầu.

Đơn cử như mặt hàng Kit test nhanh, danh mục 16 loại do Bộ Y tế ban hành đã từ tháng 7-2021, đến nay đã 7 tháng diễn biến dịch bệnh đã rất khác, và thị trường liên quan cũng cần sự cập nhật tích cực.

Nên chưa hẳn những sản phẩm hiện đang tồn tại dưới dạng ngoài luồng đã phải là vô giá trị, mà đơn giản chưa kịp thời bổ sung vào trong luồng mà thôi.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông