14:28 25/10/2021 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP, trong đó nhấn mạnh đến một số nội dung liên quan đến thông tin, truyền thông, trong bối cảnh cả nước đang chuyển sang Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục chủ động thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đời sống của người dân, các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời giao Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời phản hồi, điều chỉnh các thông tin không chính xác, phản bác các thông tin xuyên tạc, kích động, sai sự thật, gây mất niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng tới sự đoàn kết, thống nhất, sự đồng lòng của cả nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông, mà chủ công là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19, chủ động phối hợp tuyên truyền kịp thời, trung thực, khách quan, chính xác về tình hình dịch bệnh và chính sách an sinh xã hội để tạo sự đồng thuận xã hội, làm cho dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân cùng làm để vượt qua đại dịch và phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn lại thời gian qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, hệ thống thông tin, truyền thông đa dạng hình trên cả nước đã góp phần hết sức quan trọng, trong việc tuyên truyền về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những luồng thông tin tích cực, có không ít thông tin trái chiều, suy diễn, bịa đặt, bất đồng, thậm chí là chủ ý chống phá, đã làm tổn hại đến nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta cũng như nhằm chia rẽ tinh thần đoàn kết dân tộc, tạo những luồng dư luận tiêu cực.
Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, có không ít thông tin dù chỉ là tự phát trong xã hội, đã có tác dụng giám sát, điều chỉnh khá hiệu quả, giúp chấn chỉnh trách nhiệm của hệ thống công quyền cũng như trách nhiệm cộng đồng, làm minh bạch hơn môi trường phòng, chống dịch bệnh. Đây chính là bài học sâu sắc cần được đánh giá, rút kinh nghiệm, nhằm khai thác, quản lý hiệu quả tổng hệ thông tin đa dạng hình, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.
Chính vì vậy, việc Chính phủ nhấn mạnh những nội dung nêu trên được xem là động thái hết sức tích cực, thể chế hóa quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, để thông tin, truyền thông thực sự phục vụ công cuộc phát triển chung của đất nước. Mà trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng cần chủ động, linh hoạt, thích ứng với hoàn cảnh mới, với những phương pháp tiếp cận mới.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024