Chuyện thời cuộc: Thưởng tết

19:08 16/01/2022

Theo thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng, những ngày gần đây xuất hiện một số vụ việc ngừng việc tập thể tại doanh nghiệp ở khu vực phía Nam, một trong những nguyên nhân là người lao động yêu cầu tăng khoản tiền thưởng tết?

(Ảnh minh họa)

          Cũng trên phương tiện thông tin truyền thông bao gồm cả chính thống và mạng xã hội, như thông lệ thường niên, đề tài “tiền thưởng tết” lại được khai thác, phần lớn là có ý tôn vinh các đơn vị “thưởng lớn” và phân biệt đối với các đơn vị “thưởng ít” hoặc không có thưởng.

          Trên thực tế, thưởng bằng tiền hoặc các hình thức khác không phải là một quy định bắt buộc của Pháp luật. Tại Điều 104 Bộ luật lao động 2019 quy định về thưởng như sau:

          1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

          2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

          Trở lại với vấn đề “thưởng tết”, đây là một tiền lệ đã trở thành thông lệ trong cộng đồng lao động Việt Nam, được vận dụng khá phổ biến từ nhiều năm nay.  Có lẽ chính vì vậy mà nhiều người nghĩ rằng “thưởng tết” là một nghĩa vụ của người sử dụng lao động, nên hầu như năm nào cũng có hiện tượng người lao động đưa ra yêu sách này trong các cuộc ngừng việc tập thể.

          Nhưng thẳng thắn mà nhìn nhận, lấy tiền thưởng nói chung và thưởng tết nói riêng để đánh giá chất lượng doanh nghiệp và thái độ của chủ doanh nghiệp là chưa hợp lý, việc so sánh cũng rất khập khiễng. Ví dụ cũng sử dụng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng một doanh nghiệp thương mại chỉ sử dụng vài chục lao động, nếu quỹ thưởng có vài trăm triệu đồng thì mỗi người lao động bình quân cũng được thưởng hàng chục triệu đồng.

         Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất sử dụng tới hàng nghìn lao động, quỹ thưởng vài trăm triệu chia bình quân cho tổng số lao động có thể chỉ là hàng trăm nghìn đồng. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, không ít doanh nghiệp “ủ” thu nhập, lương trả theo tháng khiêm tốn nhưng lại mượn danh tiền “thưởng tết” để đánh bóng tên tuổi, xây dựng thương hiệu. Còn thực tế tổng thu nhập trong cả năm bao gồm cả thưởng của người lao động trong các doanh nghiệp “thưởng khủng” chưa chắc đã bằng các doanh nghiệp ít đình đám hơn?

          Năm nay, giữa vòng xoáy của đại dịch Covid-19, điều không thể phủ nhận là cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp khó khăn, sự chia sẻ cảm thông trên nền tảng nhân văn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông cũng nên nhìn nhận vấn đề “thưởng tết” theo đúng nghĩa, nên hạn chế khai thác đề tài này theo hướng phân biệt, đối xử nhằm đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng theo quy định của pháp luật.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông