17:26 06/11/2022 Trong thời đại bùng phát của công nghệ thông tin, bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, sự lan tỏa của hệ thống thông tin mạng cũng đem lại nhiều hệ lụy tiêu cực. Và một trong những điều được nhắc đến nhiều thời gian gần đây chính là vấn nạn tin giả (Fake News).
Trên thực tế, tin giả đã xuất hiện từ lâu, được thể hiện dưới dạng đồn đoán thêu dệt trong dư luận và ngữ hóa trên các phương tiện thông tin, ở cả Việt Nam và trên thế giới. Phụ thuộc vào động cơ của người tung tin, nguồn tin giả có nhiều loại. Trong đó có những tin giả mang nội dung xấu độc vụ lợi chính trị, có những tin giả nhằm vụ lợi kinh tế, nhưng cũng có những tin giả chỉ đơn thuần là ngẫu hứng của “tác giả”, gây trí tò mò hoặc “câu view” để được nổi tiếng.
Ở Việt Nam, thời gian gần đây tin giả độc hại có nhiều, nhưng phổ biến nhất là hai dạng động cơ hướng tới. Thứ nhất là xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ uy tín các đồng chí lãnh đạo, chống phá chính quyền trong âm mưu “diễn biến hòa bình”; thứ hai là dạng tin kích động hằn thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ mối quan hệ của Việt Nam với quốc tế nhằm làm suy yếu nền kinh tế chính trị Việt Nam.
Ở dạng thứ nhất, nguồn tin giả chủ yếu có sự can thiệp của các thế lực thù địch ngoài nước, với sự tiếp tay của một số phần tử trong nước. Có thể thấy bất cứ sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội lớn nào diễn ra ở trong nước, đều xuất hiện những luồng tin giả với góc tiếp cận hằn học, bóp méo sự thật. Thủ đoạn chung là lợi dụng tính hiếu kỳ và tâm lý thích suy diễn của độc giả, nên đôi khi có những tin được tạo dựng 100% giả mạo.
Với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật hiện đại, nguồn tin giả ngày càng xuất hiện nhiều và lan tỏa nhanh, thậm chí hình thành cả một “công nghệ chuyên sản xuất tin giả”. Đáng tiếc, nguồn tin giả đã khiến một bộ phận không nhỏ người dân tin là thật, tạo hiệu ứng tiêu cực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, tổn hại lợi ích quốc gia. Thay vì việc cần kiểm chứng, đánh giá, phân tích để làm rõ, nhiều người còn chia sẻ trên các trang cá nhân hoặc mạng xã hội.
Như đã nói ở trên, vấn nạn tin giả không chỉ có ở Việt Nam, mà đã thành một căn bệnh của cả thế giới, gần đây nhất là những thông tin phản ánh về xung đột Nga-Ukraine có thể coi là ví dụ điển hình. Vậy làm thế nào để nhận diện và ngăn chặn tin giả? Rõ ràng trong bối cảnh phát triển của thông tin mạng, không thể chỉ dùng các biện pháp truyền thống, mà cần có hệ thống chỉ dẫn nhằm nhận diện và phản bác tin giả, phổ biến trên nền tảng công nghệ rộng.
Tuy nhiên, quan điểm chung cho thấy, bên cạnh những giải pháp mang tính khắc phục hậu quả, công tác phòng ngừa mới thực sự quan trọng. Điều khác biệt so với phương pháp cung cấp thông tin cổ điển, là tin mạng đã vượt qua biên giới của các quốc gia, có tốc độ phát tán nhanh và mạnh, nhiều ý kiến cho rằng công tác phòng ngừa trước hết phải từ chính độc giả.
Vì vậy việc tuyên truyền để độc giả tự kiểm chứng và phân tích nhận diện, tẩy chay tin giả xấu độc chính là một phương pháp hiệu quả. Mặt khác, trách nhiệm ngăn chặn làn sóng tin giả cũng có vai trò rất lớn của các cơ quan báo chí chính thống, bằng việc cung cấp cho độc giả những thông tin hấp dẫn hơn, nhanh chóng hơn, chính xác hơn.
Một vấn đề khác cũng hết sức quan trọng, đó là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý để phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm đối với những tin giả xấu độc cũng như những đối tượng có hành vi tung tin giả với chủ ý xấu.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024