Chuyện thời cuộc: Trạng thái linh hoạt

14:29 25/10/2021

Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện những tín hiệu đáng mừng, khi số ca mắc mới trong từng ngày giảm rất nhiều so với những tuần trước đó. Về căn bản, đợt dịch lần này đã được kiểm soát.

(Hình ảnh minh họa)

          Bùng phát từ ngày 27-4, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 hầu hết do chủng mới Delta, đã gây ra đợt lây lan mạnh mẽ nhất trên địa bàn cả nước, khi chỉ trong thời gian chưa đầy 6 tháng đã có hơn 800 nghìn người bệnh. Trong đó riêng hai địa phương là TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương số ca bệnh chiếm 2/3 tổng lượng.

          Để phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần “sức khỏe người dân là trên hết, trước hết”, có thể nói cả nước đã phải tập trung cao độ, từ nhân lực đến vật lực; từ các cơ chế, chính sách, nguồn lực nhà nước đến sự sẻ chia cộng lực của cộng đồng xã hội. Không chỉ có thế, hoạt động kinh tế cũng đình trệ trên diện rộng, gây tổn thất nặng nề trên phạm vi cả nước, một bộ phận không nhỏ người yếu thế lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

          Dù chưa có số liệu thống kê, nhưng trong vòng nửa năm qua dịch bệnh Covid-19 đã khiến tiềm lực quốc gia bị “chảy máu” với cường độ quá lớn, mà một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam khó có thể trụ vững dài hạn.

Trong khi như đã đề cập, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tái tạo và phát triển nguồn lực cũng bị ảnh hưởng, ở nhiều lĩnh vực nhất thời chưa thể lấp được khoảng trống do hậu quả dịch bệnh gây ra. Hệ lụy mang tính dây chuyền, kéo theo cả những tác động tiêu cực về mặt an sinh xã hội.

          Điều đáng lưu ý là, dịch bệnh đang bắt đầu được kiểm soát tốt, nhưng kết quả hiện nay đang chưa chắc đã phải là cuối cùng, bởi diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn rất phức tạp, mọi phát sinh đều khó dự báo.

Trước bối cảnh đó, nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả những nền kinh tế phát triển, đã chuyển dần trạng thái mới nhằm thích ứng với tình hình, nói dễ hiểu là “sống chung với dịch bệnh”. Tại Việt Nam, quan điểm này cũng đã được đề xuất và đang từng bước được thiết lập. Tuy nhiên, cần phải hiểu “sống chung” là thích ứng linh hoạt, chứ không phải mặc nhiên để dịch bệnh hoành hành trong xã hội.

          Chính vì vậy, việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, đưa một số lĩnh vực hoạt động trở lại, phục hồi phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội, từng bước tái tạo nguồn lực là điều hết sức cần thiết. Nhưng trạng thái này càng cần đề cao sự cảnh giác của cả các cấp chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, bởi nếu lơ là, chủ quan, chúng ta sẽ lại phải trả những giá đắt khó lường.

Cho thấy, thông điệp “Vắc – xin cộng 5K” cần tiếp tục được nghiêm túc thực hiện, để xã hội có thể an toàn, khi cơ thể cộng đồng khỏe lên, dịch bệnh chắc chắn sẽ suy yếu và tiêu tan.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông