Chuyện thời cuộc: Tri ân

19:19 27/07/2020

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945, thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta.

Khu tưởng niệm 96 liệt sỹ Tiểu đoàn Hải Đà (Hải Phòng) tại huyện Điện Bàn (Quảng Nam) do những người đồng đội Hải Phòng quyên góp kinh phí phối hợp với tỉnh Quảng Nam xây dựng

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do. Trong cuộc chiến này, nhiều chiến sĩ ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm xuống.

Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và đại diện một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên).

Nội dung cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch, chọn Ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm ngày Thương binh toàn quốc.

Từ tháng 7-1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày thương binh - liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27-7 hàng năm chính thức trở thành "Ngày thương - binh liệt sĩ" của cả nước.     

Trong suốt sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Khẳng định sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau.

Đền liệt sỹ Hải Phòng (Cầu Nhe) - di tích lịch sử tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Hòa chung với tinh thần ấy, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn thành phố, trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội.

Phong trào đó không chỉ góp phần tích cực làm cho đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình người có công với nước ngày càng được nâng lên, mà còn là nét đẹp đầy tính nhân văn, tô đậm truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.

Ngày 27-7 thực sự đã đi vào lịch sử dân tộc, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người, để hàng năm cứ đến dịp này, sự lan tỏa nghĩa tình vừa sâu lắng, vừa đằm thắm lại dâng lên, trọn vẹn hai chữ “tri ân” đầy ý nghĩa.

                                                                                Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông