Chuyện thời cuộc: Tuổi hưu

09:21 31/05/2019

Sau thời gian chuẩn bị, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chính thức được đệ trình lên Quốc hội vào ngày 29-5. Trong đó, một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất có lẽ là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.

(Ảnh minh họa)

Theo đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu được Chính phủ đưa ra có hai phương án (trong điều kiện lao động bình thường): (1) mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi; (2)mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt. 

          Nội dung liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu đã được thông tin khá sớm tới cộng đồng, nên sự kiện này không còn là mới mẻ. Về lý do tăng tuổi nghỉ hưu, theo cơ quan xây dựng đề án, thì trước hết tăng tuổi nghỉ hưu là một giải pháp đảm bảo cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Tiếp đó là do tuổi thọ trung bình của dân số cả nước hiện tăng đáng kể, trong khi trên thực tế rất nhiều người trong độ tuổi nghị hưu theo quy định hiện tại vẫn đủ khả năng và còn nhu cầu lao động. Một nguyên nữa được đưa ra, đó là việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được nguồn lao động có bề dày kinh nghiệm, trình độ để đóng góp cho xã hội?

          Tuy nhiên, khi thông tin được công khai, phản ứng từ dư luận cũng có không ít ý kiến trái chiều, các quan điểm phản biện cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm bớt cơ hội việc làm cho giới trẻ, không phù hợp với những người làm công việc bằng chân tay. Về vấn đề này, tại diễn đàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho rằng, Chính phủ cần phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu trên các yếu tố: tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác.

Bên cạnh đó, người đại diện cho các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng lưu ý, cần lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm...

          Hy vọng rằng, đây là một nội dung lớn, có tầm ảnh hưởng rộng và dài hạn, đòi hỏi sự thận trọng cần thiết, để chính sách được ban hành đi vào đời sống một cách thiết thực, góp phần hiệu quả xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh.

                                                                                          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông