Chuyện thời cuộc Văn hóa là để phục vụ cộng đồng

18:06 26/11/2021

Theo khái niệm chung, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần được con người tạo dựng, liên quan đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Văn hóa là phạm trù rất rộng, những luôn chứa đựng những nét đặc thù, trở thành bản sắc riêng của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền…

(Ảnh minh họa)

Giải thích về văn hóa, sinh thời Bác Hồ đã nêu: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.

          Nghĩa là, văn hóa là sản phẩm sáng tạo của con người, phục vụ nhu cầu của con người, vừa là vật thể vừa phi vật thể.

Hiểu theo cách đơn giản, phi vật thể là những giá trị đã trở thành thói quen, thành quy ước chung được cộng đồng công nhận hoặc thừa nhận, từ đó điều chỉnh trở lại các mối quan hệ phát sinh từ con người.

Vật thể là giá trị được hiện thực hóa thành các công trình, các hoạt động văn học, nghệ thuật và những giá trị vật chất khác phục vụ cộng đồng. Tất cả được nối tiếp trở thành di sản văn hóa.

Trải qua thăng trầm của thời gian, văn hóa cũng liên tục được chau chuốt, rèn rũa, với vai trò dẫn dắt, định hướng phát triển cộng đồng xã hội, chính vì vậy có những văn hóa chỉ tồn tại trong một giai đoạn nhất định, trở thành cổ hủ, thói hư, tật xấu… khi đánh mất giá trị phục vụ cộng đồng.

Nhìn ra thế giới, những quốc gia phát triển bậc nhất thế giới đều xuất phát từ nền tảng văn hóa rực rỡ. Có thể kể như Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức… Ngay cả nước Mỹ, dù chỉ có lịch sử mấy trăm năm, nhưng thành quả tột bậc của họ cũng được dựng trên nền tảng chắt lọc tinh hoa văn hóa châu Âu, được xem như sản phẩm thí điểm của nền văn hóa mới nhân loại.

Tại Việt Nam, qua hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa được tích lũy trên cơ sở có kế thừa truyền thống, có du nhập và chọn lọc, có loại trừ, dần trở thành bản sắc riêng, trong đó mỗi vùng miền lại có những nét riêng, mỗi giai đoạn cũng có yêu cầu phát triển riêng.

Cho thấy, phát triển văn hóa mang bản chất tự nhiên rất lớn, nên sự áp đặt máy móc trong phát triển văn hóa thường đem lại kết quả không mấy thành công, điều mà chúng ta đã từng có nhiều bài học kinh nghiệm. Nhất là khi ngộ nhận những sản phẩm vốn dĩ chỉ phát sinh từ văn hóa, được tôn lên thành tầm văn hóa, hướng đến những tư duy hạn hẹp.

Thiết nghĩ, cốt lõi của phát triển văn hóa phải hướng tới những nét đẹp, luôn sáng tạo nhưng cũng luôn giữ hồn cốt truyền thống. Những thói quen riêng tư, những thói hư tật xấu dù đâu đó luôn tồn tại, nhưng không được sự chấp nhận của cộng đồng, tuyệt nhiên khổng thể gọi là văn hóa.

Tựu chung, văn hóa là phải phục vụ lợi ích tích cực của cộng đồng, hiển nhiên kết quả của mọi công cuộc phát triển đều phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng văn hóa.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông