Chuyện thời cuộc: Xuất xứ hàng hóa

10:02 09/08/2019

Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Dự thảo này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Sản phẩm của Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng (Ảnh minh họa)

          Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), khái niệm xuất xứ hàng hóa được đề cập nhiều. Tuy nhiên trong thời gian khá dài, khái niệm này xuất hiện chủ yếu dẫn chứng cho các nhóm hàng hóa xuất khẩu, bởi Việt Nam là nước đang phát triển, được thụ hưởng nhiều chế độ ưu tiên khi xuất khẩu hàng hóa sang nước khác. Đây cũng chính là lý do mà cơ chế gia công đang chiếm tỷ lệ cao trong tổng thể các ngành sản xuất tại Việt Nam.

          Tuy nhiên, trong một điễn biến khác, bản thân Việt Nam là một thị trường lớn, với dân số gần 100 triệu người, với sức tiêu thụ khổng lồ, nhất là sản phẩm tiêu dùng mà cơ bản trong nước chưa thể tự chủ. Lợi dụng điều này, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đã hô “biến” sản phẩm nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc thành hàng “made in Việt Nam” để dễ bề tiêu thụ.

Dù nhiều vụ việc đã được phát hiện, nhưng hệ thống pháp luật vẫn bộc lộ bất cập, nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Hệ quả là không chỉ người tiêu dùng trong nước bị thiệt hại, ngân sách bị thất thoát, mà hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cũng gặp những trở ngại khi nước ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

          Rõ ràng, khái niệm về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam cần phải được định nghĩa lại, nhằm hoàn thiện hơn những quy định, đảm bảo tính minh bạch thị trường và các lợi ích hợp pháp trong tình hình mới. Việc Bộ Công thương tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đã thể hiện tinh thần cầu thị rất cao, trên cơ sở phát huy tính dân chủ và tận dụng những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn.

Dự thảo Thông tư nêu rõ cách xác định hàng hóa có xuất xứ thuần túy và hàng hóa không có xuất xứ thuần túy như thế nào được gọi là hàng sản xuất tại Việt Nam. Để từ đó, môi trường sản xuất kinh doanh được minh bạch hơn, bình đẳng hơn, tạo cơ hội thúc đẩy những phân ngành kinh tế thực sự tự chủ.

          Vẫn biết việc thay đổi mỗi cơ chế chính sách dù ít hay nhiều sẽ tác động đến một bộ phận cộng đồng xã hội cũng như doanh nghiệp, nhưng thiết nghĩ đây là điều rất cần thiết, hướng tới yêu cầu phát triển bền vững.

                                                                                          Hoàng Minh

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích