Chuyện thời cuộc: Áp lực thi cử?!

09:37 29/05/2019

Trong những ngày này, hàng triệu gia đình trên khắp cả nước đang nóng cùng với sỹ tử của hai kỳ thi THCS và tốt nghiệp THPT. Giờ đây việc học hành, nhất là ở khu vực đô thị, không chỉ của riêng các em học sinh mà còn là sự quan tâm, chăm lo, kỳ vọng và cả… tham vọng của các bậc phụ huynh.

Thành công trong cuộc sống không chỉ nhờ... tấm bằng!

Lâu nay, thi vào đại học vẫn được xem là kỳ thi quốc gia quan trọng, có quy mô lớn, có tính chất quyết định mang tính bước ngoặt với phần đông các em học sinh đã vất vả 12 năm đèn sách. Đặc biệt, khi các em bước chân vào những trường đại học được đánh giá là tốp đầu như khối kinh tế, cảnh sát, an ninh, y dược, luật…thì điều đó cũng đồng nghĩa khẳng định đó là những học sinh ưu tú cả về học lực và đạo đức.

Thế nhưng vụ việc gian lận thi cử tại Sơn La, Hà Giang, Điện Biên… của kỳ thi THPT năm học trước đây đã cho thấy mục tiêu thi đỗ đại học không chỉ là áp lực đối với riêng các em học sinh mà còn là tham vọng của cả bố mẹ. Chưa kể đến trong mấy ngày gần đây lại có thông tin để con được nâng điểm, đủ điểm vào các trường đại học danh giá, một số gia đình tại Sơn La đã phải chi một khoản tiền không nhỏ với con số mà mới nghe thôi đã… giật mình.

Đau xót hơn là tham vọng, việc làm của cha mẹ đã làm tổn thương đến chính các con mình, bởi trong số những học sinh được nâng điểm thì có một số em điểm chấm lại vẫn đạt điểm chuẩn vào các trường đại học. Qua đó cũng cho thấy, các bậc phụ huynh đã không tin tưởng vào học lực của con em mình và lo cho con bằng cách… gian lận điểm.

Theo thống kê mới đây của Bộ Giáo dục-Đào tạo thì số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào đại học năm 2019 thấp hơn nhiều so với năm 2018, 2017 và với nhiều năm về trước. Cụ thể, năm 2019 có tới hơn 279.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không thi đại học.

Nhiều chuyên gia, người làm giáo dục cho rằng việc học sinh chọn con đường không vào đại học cho tương lai của mình là xu thế hiện nay. Chúng ta không phủ nhận vai trò đào tạo của bậc đại học, song tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên đại học ngày càng tăng, trong khi chi phí trong 4-5 năm học là khoản tiền không nhỏ đối với các gia đình. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang tuyển dụng nhân viên có kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc mà không cần thiết phải có bằng cấp.

Đã đến thời điểm, các bậc phụ huynh đừng quá đặt nặng vai trò của tấm bằng đại học, coi đó là con đường thành công duy nhất, là bàn đạp để giàu có. Chúng ta có những tấm gương thành công không có tấm bằng nào. Bởi thành công còn đến từ khổ luyện, là những tháng ngày làm việc không ngừng nghỉ, là những nỗ lực không ngừng vươn lên và vượt lên chính mình.  

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông