Chuyện thời cuộc: Báo động trẻ mắc tật khúc xạ

10:13 17/11/2018

Theo thống kê của ngành y tế, tật khúc xạ chưa được chỉnh kính là một trong 5 nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa và giảm thị lực. Tại Việt Nam, trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20-40% ở khu vực thành thị, từ 10-15% tại khu vực nông thôn.

Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, những nguyên nhân dẫn đến cận thị gồm: tư thế ngồi học không đúng, học tập và làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng, trẻ sinh non, nhẹ cân, dinh dưỡng, di truyền…

Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ trẻ, đặc biệt trẻ ở những đô thị phát triển mắc các bệnh về mắt cao hiện nay là do thời gian xem ti vi, điện thoại, máy vi tính… quá nhiều. Thói quen của nhiều phụ huynh hiện nay là sử dụng các sản phẩm công nghệ số như một chiếc đũa thần để “giữ trẻ” khỏi nghịch ngợm, để con ăn uống nhanh hơn, để mình không mất nhiều thời gian bên con, thậm chí để thưởng cho kết quả học tập tốt…

Ngoài ra, thời gian học quá nhiều lặp theo chu kỳ hàng ngày đã tạo áp lực lớn lên mắt, khiến trẻ trở thành “kẻ 4 mắt” ngay từ khi còn ở những lớp đầu của cấp tiểu học.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, cận thị sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sức khỏe và quá trình học tập của trẻ. Bởi trẻ mắt nhìn kém sẽ đọc chữ hay bị nhảy dòng, nhầm dấu, viết chậm, sai chữ, sai số… dẫn đến kết quả học tập giảm sút khiến trẻ trở nên rụt rè và thiếu tự tin.

Trước tình trạng đáng báo động trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phối hợp với Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Dự án Chăm sóc mắt học đường tại 3 tỉnh thí điểm. Dự án được đánh giá là thành công, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt cho học sinh; nâng cao nhận thức về chăm sóc mắt cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên.

Tuy nhiên quy mô triển khai dự án còn quá nhỏ so với thực tiễn hiện nay. Do đó có nhiều ý kiến đề nghị cần được duy trì và nhân rộng tại nhiều địa phương khác. Trong đó tập trung hơn nữa vào các hoạt động đào tạo năng lực cho cán bộ y tế trường học, cung cấp công cụ sàng lọc thị lực, hỗ trợ cấp kính miễn phí tiến tới đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho kính thuốc.

Để kéo giảm và tiến tới đẩy lùi các tật về khúc xạ cho trẻ không chỉ là sự nỗ lực của một vài sở ngành mà phải là sự chung tay của toàn xã hội. Các chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng, thời gian tới công tác phòng chống tật khúc xạ học sinh phải gắn kết với hoạt động y tế trường học và hoạt động kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học. Ngành y tế và ngành giáo dục cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác chăm sóc thị lực học sinh.

Đồng thời cũng cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của chính các bậc phụ huynh trong việc điều tiết giữa thời gian học hành và nghỉ ngơi của con cái; cũng như định hướng cho trẻ tham gia các sinh hoạt cộng đồng thay vì trở thành những nô lệ của các thiết bị công nghệ số…

Đôi mắt của học sinh được ví như những “viên ngọc quý”, chăm sóc để các em có một sức khỏe thị lực tốt chính là cách giúp các em tự tin hơn trong mọi hoàn cảnh để bước những bước thật vững chắc trên con đường thực hiện ước mơ của mình.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông