Chuyện thời cuộc: Biến đổi khí hậu

11:11 03/07/2019

Trong những ngày vừa qua, nhiều quốc gia tại châu Âu đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng kỷ lục với mức nhiệt trên 40 độ C. Cơ quan khí tượng thuỷ văn của Pháp cũng đã cảnh báo, các đợt nắng nóng tương tự sẽ tiếp tục xảy ra tại châu lục này với tần suất ngày càng tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Giới chức Pháp đã lên kế hoạch lắp thêm vòi hoa sen trên, kéo dài giờ mở cửa các bể bơi công cộng, mở cửa công viên suốt đêm và các phòng làm mát trong các toà nhà để đối phó với các đợt nắng nóng.

Chưa hết, tại các quốc gia khác như Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thuỵ Sỹ… cũng khuyên người dân nên tránh lao động nặng vào buổi trưa, uống nhiều nước và tránh ánh nắng mặt trời.

Thậm chí, trẻ em không nhất thiết phải đến trường, còn người già thì không ra ngoài đường khi không thật cần thiết vào những giờ cao điểm, ngày nắng nóng.

Nhiều tuyến đường cao tốc đã giảm tốc độ cho phép, phòng tránh nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra do mặt đường bị phồng rộp, xe bị nổ lốp hoặc lái xe bị loá, bị choáng…

Như vậy có thể thấy, đợt nắng nóng vừa qua đã làm đảo lộn nhiều hoạt động, sinh hoạt của người dân tại một châu lục mà lâu nay vẫn được xem là khí hậu ôn hoà, mát mẻ. Các cơ quan y tế công cộng châu Âu đang nỗ lực ngăn chặn lịch sử lặp lại vì vào những ngày nắng nóng kỷ lục của năm 2018, nhiều người đã bị thiệt mạng bởi sốc nhiệt.

Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng thì nắng nóng không còn là hiện tượng thời tiết bất thường của các quốc gia nằm gần đường xích đạo mà là của  nhiều khu vực trên toàn cầu. Nguyên nhân chính là do sự ấm lên của trái đất, mà sự bất thường đó là do các hoạt động công nghiệp của con người vẫn không ngừng gia tăng. Năm 2019 được dự báo tiếp tục là một năm sẽ có nhiều đợt nắng nóng kỷ lục và Việt Nam không nằm ngoài tình trạng trên.

Ngay trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua, nhiều địa phương đã vượt ngưỡng 40 độ C và cháy rừng đã xảy ra tại một số tỉnh miền Trung khiến lực lượng chức năng, người dân lao đao. Tại Campuchia, Thái Lan… dịch bệnh đã bùng phát, đe doạ sức khoẻ của người dân.

Biến đổi khí hậu đã không còn là cụm từ trừu tượng, xa vời mà trên thực tế những hiện tượng thời tiết cực đoan đã là câu trả lời của thiên nhiên với con người.

Nếu không giảm thiểu khí thải, dừng ngay việc chặt phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, không khí, môi trường biển… thì con người sẽ phải hứng chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”, không thể trách than đất trời! 

Kim Oanh

  

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông