Chuyện thời cuộc: Cẩn trọng không thừa

14:34 24/12/2019

Những ngày qua, việc giá lợn thịt không ngừng tăng ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng chung của cả nước cũng như chi phí tiêu dùng của người dân. Không chỉ người tiêu dùng than thở đi chợ mỗi hôm một giá mà ngay cả những tiểu thương nhỏ lẻ nhập hàng cũng chung tâm trạng như vậy.

Qua theo dõi và thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 10/2019, cả nước nhập khẩu khoảng 17.000 tấn thịt lợn; tính chung 10 tháng nhập khẩu khoảng 96.000 tấn, tăng 102% về lượng. Sản lượng này dù gấp đôi cùng kỳ năm ngoái song với sản lượng thịt lợn giảm trên 300.000 tấn so với cùng kỳ thì ước tính nhu cầu vẫn thiếu hụt khoảng trên 200.000 tấn.

Trước tình hình đó nhiều ý kiến đặt ra, nguồn cung thiếu hụt như vậy, với quan hệ giao thương của Việt Nam ngày càng mở rộng trên toàn cầu như hiện nay tại sao cơ quan chức năng không nhanh chóng nhập khẩu số lượng lớn thịt lợn về để bình ổn cung cầu; đặc biệt trong bối cảnh năm nay, khi mà Tết Dương lịch và Âm lịch khá gần nhau nên nhu cầu thịt lợn sẽ tăng rất mạnh?!

Sự nóng lòng của dư luận là vậy nhưng trên thực tế, việc cấp phép nhập khẩu thịt lợn không phải cứ có nhu cầu là nhập tràn lan, ồ ạt. Bởi để bảo đảm an toàn, thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng 2 điều kiện. Thứ nhất là chỉ cho phép nhập khẩu từ những nước đã có thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu chứng nhận kiểm dịch thực phẩm đối với sản phẩm thịt nhập khẩu vào Việt Nam. Thứ hai là phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu chuẩn và mức giới hạn cho phép đối với vi sinh vật có hại, tồn dư hóa chất độc hại đối với thịt nhập khẩu được quy định tại các văn bản của Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu và Thông tư 25/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Như vậy có thể thấy, dù nguồn cung thịt lợn thiếu hụt đang là vấn đề “nóng” nhưng sự cẩn trọng của các cơ quan chức năng cũng không hề thừa. Việc nhập khẩu phải tuân theo đúng các yêu cầu, tránh nóng vội mà triển khai tràn lan khiến lợi bất cập hại. Không chỉ đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng mà còn phải bảo đảm an toàn vệ sinh thú y cho ngành chăn nuôi trong nước vốn đã trải qua một năm khá nhiều lao đao, sóng gió.

Hoàng Triệu

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông