15:08 03/04/2019 Nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế, cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu rộng mở. Song cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là xu hướng tăng cường các biện pháp bảo hộ của các thị trường, rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ đang ngày càng tăng.
Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đã có hàng trăm vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chủ yếu tập trung vào kiện chống lẩn tránh thuế, kiện domino, kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp).
Hàng hoá bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vô cùng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mới bị kiện thì hiện nay ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện.
Những vụ kiện phòng vệ thương mại khi xảy ra có tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, làm giảm kim ngạch xuất khẩu và ảnh hưởng trầm trọng đến nền sản xuất trong nước. Điều đáng nói mặc dù nước ta đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của WTO, song hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa nắm được hết các quy định và sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đa số doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và dường như không có kinh nghiệm về phòng vệ thương mại. Do đó, khi đối diện với các vụ kiện quốc tế, doanh nghiệp loay hoay không biết đối phó như thế nào, hoặc phải chi phí theo kiện rất tốn kém. Thậm chí có doanh nghiệp còn thua cuộc và mất trắng thị trường do bị áp thuế cao và không thể cạnh tranh được.
Để ứng phó với tình hình này, theo các chuyên gia kinh tế thì sự chủ động của doanh nghiệp trong nước là rất quan trọng. Song song với quá trình hội nhập, doanh nghiệp nên tự trang bị các kiến thức và quy định về phòng vệ thương mại. Đồng thời, phải thường xuyên lưu ý cập nhật thông tin để phán đoán và nắm bắt nhanh, nhằm xử lý kịp thời các vụ kiện phòng vệ thương mại ngay từ giai đoạn đầu, khi cơ quan điều tra của nước nhập khẩu tiếp nhận đơn kiện.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này, các cơ quan chức năng cần nâng cấp Hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Thông qua đó giúp DN chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu cũng như có biện pháp ứng phó kịp thời. Có như vậy thì doanh nghiệp mới có thể hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.
Bùi Hạnh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024