Chuyện thời cuộc: Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt

11:51 10/11/2018

Ủy ban châu Âu (EC) vừa thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến vào cuối năm 2018, và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Hiệp định được kỳ vọng cải thiện toàn diện môi trường kinh doanh cũng như thể chế, giúp Việt Nam cơ cấu lại xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.

Hiệp định này sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa, lên tới hơn 99% số dòng thuế. Với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể được coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết từ trước tới nay. Việc cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ được coi là một trong những bước đột phá thành công của Hiệp định EVFTA, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Nhờ đó sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau, củ, quả), đồ gỗ... là rất đáng kể.

Các mặt hàng trước đây chúng ta chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao, giờ cũng sẽ có thể tiếp cận được thị trường EU với giá cả cạnh tranh hơn. Theo các chuyên gia quốc tế, riêng với dệt may, EVFTA có thể giúp Việt Nam xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỷ USD vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028 so với trường hợp không có FTA. Ðây là những con số rất có ý nghĩa bởi theo tính toán chung, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250 nghìn việc làm trực tiếp.

Hiệp định này cũng sẽ tạo ra những cơ hội tiếp cận thị trường mới trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Tính đến năm 2017, đã có 24 trong tổng số 28 nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam với khoảng 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 21,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện khí nước; thông tin truyền thông; kinh doanh bất động sản; khai khoáng. Sau khi hiệp định được ký kết, môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn; hệ thống pháp luật, chính sách ổn định và minh bạch hơn, đầu tư từ EU được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn nữa.

Ðể khai thác tối đa lợi ích của hiệp định này, các doanh nghiệp của chúng ta, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngay từ bây giờ cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần bảo đảm sản phẩm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU...

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông