Chuyện thời cuộc: Cơ hội mùa lễ hội

10:37 16/02/2022

Theo truyền thống, tháng Giêng sau dịp tết Nguyên đán là quãng thời gian diễn ra nhiều lễ hội trên địa bàn cả nước, cùng với đó là các hoạt động du xuân thu hút đông đảo người dân tham gia, nên từ lâu người ta đã truyền tụng câu ca “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”.

(Ảnh minh họa)

          Nhìn từ mặt tích cực, hoạt động “ăn chơi” tháng Giêng là một yếu tố hết sức quan trọng để kích cầu du lịch, từ đó kéo theo nhiều dạng hình kinh doanh, dịch vụ khác phát triển như mua bán hàng hóa, dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống… tạo việc làm và doanh thu không nhỏ cho một bộ phận người dân.

         Về mặt tâm lý, nhu cầu này cũng giải tỏa những âu lo, tạo động lực khiến cho những người tham gia cảm thấy nhẹ nhàng, thêm phần hào hứng đối với công việc và cuộc sống.

          Tuy nhiên, cũng từ quan niệm “ăn chơi” này, không ít người đã sa đà, không ít hoạt động bị thái quá hoặc chỉ nhằm phô diễn, ngộ nhận, làm mất đi ý nghĩa văn hóa truyền thống.

          Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát, để thực hiện phòng chống dịch bệnh, những hoạt động nêu trên cơ bản đã phải tạm dừng. Có quan điểm cho rằng, đây chính là lúc chúng ta phải cân nhắc lại, để khi dịch bệnh được kiểm soát, việc tái hoạt động các dạng hình lễ hội cần một sự sàng lọc, lựa chọn, vừa đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân, phát triển du lịch, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tích cực của dân tộc.

        Nhiều ý kiến đề xuất, nên dẹp bỏ những lễ hội mang tính “ăn theo”, những hành vi dị đoan, “buôn thần bán thánh” để “đục nước béo cò”, không dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, không mang lại những giá trị thiết thực, để tránh lãng phí nguồn lực cộng đồng?

          Năm nay, qua tết Nhâm Dần, cũng là lúc chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, mục đích là thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh. Trong tình hình đó, nhiều lễ hội đang được chuẩn bị trở lại, các tụ điểm du lễ cũng đang rục rịch mở cửa đón khách, nhiều người dân cũng sẵn sàng thực hiện các chương trình du xuân, sau thời gian ém mình chống dịch.

           Mặc dù vậy, hầu hết vẫn đang trong động thái vừa triển khai, vừa thăm dò, bởi một bộ phận không nhỏ cộng đồng vẫn chưa thực sự mặn mà, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp.

          Vẫn biết quyền tự do tín ngưỡng cũng như các quyền khác là chính đáng của mỗi công dân, nhưng việc hình thành một thiết chế văn hóa làm nền tảng cho công cuộc phát triển trong thời đại mới nên được định hướng, phù hợp với xu hướng hội nhập.

Nhìn trên diện rộng, điều này chỉ có thể được thực hiện bởi các chính sách vĩ mô với một nhận thức thống nhất mang tầm xã hội, và cơ hội có lẽ chính là lúc này, âu cũng là mặt trái tích cực của thời Covid-19?

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích