Chuyện thời cuộc: Để người dân mặn mà với BHXH

10:03 21/11/2018

Được triển khai từ năm 2008 nhưng đến nay, trên cả nước mới có khoảng 243.000 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Trong đó chỉ khoảng 30% tham gia mới, còn lại là người đã từng tham gia BHXH bắt buộc và đóng thêm tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

243.000 người quả là một con số quá khiêm tốn so với số lượng khoảng 40 triệu người chưa có chỗ dựa nào về an sinh khi về già trên cả nước. Điều đáng nói là trước kia, chỉ những người tham gia các cơ quan hành chính sự nghiệp hay doanh nghiệp mới được đóng bảo hiểm và có sổ hưu khi đến độ tuổi nghỉ. Việc được cầm sổ hưu đã từng là điều mơ ước của cả chục triệu người là lao động tự do, nông dân, tiểu thương… vốn chiếm số đông trong xã hội.

Xã hội càng phát triển, con người càng cần tìm đến các công cụ bảo đảm cho đời sống khi về già nhiều hơn. Vậy tại sao khi chính sách xã hội đã cởi mở, nhiều người dân có “thời cơ vàng” để có cơ hội cầm cuốn sổ hưu trên tay, bảo đảm an sinh khi về già song lại tỏ ra không mặn mà?!

Thực tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp là do công tác tuyên truyền thời gian qua chưa được sâu, rộng. Đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện, thậm chí một bộ phận dân cư còn chưa biết có chính sách BHXH tự nguyện. Người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi về già. Thu nhập của nhiều người lao động, nhất là ở vùng nông thôn còn thấp, không ổn định…

Ngoài ra, còn một thực tế khiến BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn được người dân bởi đang có sự chênh nhau giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Nếu như BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ thì BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất mà thiếu đi các chế độ ngắn hạn đáp ứng ngay nhu cầu đa dạng trước mắt của người dân về thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

BHXH tự nguyện được coi là một trong những chính sách trụ cột an sinh của quốc gia nhưng với số lượng tham gia nhỏ giọt như hiện nay thì quả là vấn đề lớn trong vài chục năm tới. Để mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH tự nguyện, hiện cơ quan BHXH Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Đồng thời kiến nghị sửa đổi chính sách để BHXH tự nguyện hấp dẫn và thu hút người lao động hơn, đa dạng loại hình và mức đóng bảo hiểm để phù hợp mức thu nhập khác nhau của người lao động, nhất là người thu nhập thấp, người nghèo khu vực phi chính thức.

Bên cạnh đó, theo thống kê, có đến 40 triệu lao động làm việc phi chính thức, trong đó chủ yếu là lao động từ nông thôn ra. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh sản xuất và người lao động tự làm đều trốn tránh không đăng ký lao động, không đóng các loại BHXH. Vì vậy, cần nhanh chóng chính thức hóa lao động phi chính thức, khuyến khích tham gia BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động thuộc khu vực này...

Bùi Hạnh

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông