19:13 22/09/2020 Dù là sân chơi tri thức của thế hệ trẻ, song chương trình Đường lên đỉnh Olympia thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thuộc nhiều tầng lớp, lĩnh vực. Năm nay cũng đã tròn 20 năm chương trình phát sóng và ngày 20-9 vừa qua, tại vòng chung kết năm 2020, quán quân Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình đã được xướng tên với chiến thắng thuyết phục.
Ngay sau chiến thắng của nữ quán quân trong suốt 9 năm qua, trên mạng xã hội, bên cạnh những lời chúc mừng, tự hào, động viên thì cũng có những bình luận như “chúc mừng nước Úc’, “quán quân sẽ cống hiến gì cho đất nước?”, “lại chảy máu chất xám thôi”…
Điều đáng nói là những bình luận có nội dung như trên không phải là mới, mà dai dẳng từ nhiều năm nay và nóng trở lại khi xuất hiện nhà vô địch mới. Một thực tế là hầu hết các quán quân của Đường lên Đỉnh Olympia đều đi du học ở Úc và sau đó chọn con đường ở lại đất nước này để làm việc, sinh sống. Tính đến nay, chỉ có 3/18 nhà vô địch sau khi học tập tại nước ngoài thì đã trở về nước để làm việc. Con số này được đánh giá là ít ỏi và không như mong đợi của nhiều người về kỳ vọng cống hiến cho đất nước của những nhân tài.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, đa phần các nhà vô địch Olympia đều theo con đường nghiên cứu khoa học và điều kiện học tập, làm việc ở các quốc gia tiên tiến nói chung, nước Úc nói riêng vẫn còn nhiều điều khác biệt với Việt Nam. Việc trở về nước, các Thạc sỹ, Tiến sỹ phải đối mặt với không ít khó khăn là điều khó tránh. Chưa kể đến, một số quán quân đã không giấu diếm rằng, việc học tập nâng cao cùng với giảng dạy, nghiên cứu ở các quốc gia tiên tiến vừa đảm bảo được cuộc sống, vừa nuôi dưỡng được đam mê nghiên cứu khoa học, còn về nước với nguồn thu nhập ít ỏi, cộng với môi trường làm việc như hiện tại thì để đảm bảo cả hai yếu tố trên là rất khó?!
Trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay thì thế hệ trẻ đam mê khám phá, học hỏi những nền văn minh, tiên tiến là điều dễ hiểu. Bởi vậy, không chỉ có 20 quán quân của chương trình Đường lên Đỉnh Olympia đi du học ở nước ngoài mà nhiều gia đình, nhiều bạn trẻ cũng chọn con đường học tập nói trên. Nhiều người Việt ở nước ngoài đã tham gia các dự án, chương trình nghiên cứu khoa học không chỉ đóng góp cho nước sở tại mà còn là cho tri thức của nhân loại, toàn cầu. Cũng đã có không ít các chuyên gia, Giáo sư, Tiến sỹ người Việt Nam đã trở về nước và cống hiến những kinh nghiệm, thành tựu khoa học mà mình đã dành cả cuộc đời nghiên cứu ở nước ngoài hoặc đầu tư các dự án, công trình, phát triển kinh tế xã hội trong nước.
Điều đó cho thấy, dù ở đâu, làm gì nhưng đã hướng về quê hương, Tổ quốc thân yêu thì ai cũng có thể đóng góp trí tuệ, công sức cho đất nước trong những giai đoạn, bối cảnh phù hợp. Bởi vậy, nên chăng chúng ta đừng quá khắt khe với các nhà vô địch Olympia nói riêng và thế hệ trẻ nói chung khi họ chưa trở về quê hương sau khi học tập, làm việc, sinh sống tại nước ngoài.
Kim Oanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão