Chuyện thời cuộc: Đừng tạo áp lực

    15:45 07/09/2019

    Năm học mới sắp bắt đầu. Học sinh sau một thời gian nghỉ xả hơi trở lại chu kỳ học tập mới. Với nhiều học sinh, đây gần như trở lại một cuộc chiến với những cơn ác mộng đến từ việc bắt học thêm, ép luyện học chính từ gia đình các em.

    Đầu tháng 1-2018, một nữ sinh được đánh giá là ngoan, hiền, học giỏi ở Hà Tĩnh đã tự tử vì kết quả học tập giảm sút, không đạt được kết quả như kỳ vọng. Cuối năm 2017, một nam sinh ở TP Hồ Chí Minh tự tử vì bị điểm 3 môn tiếng Anh trong khi em có tên trong đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh của trường. Và chắc dư luận vẫn chưa quên vụ việc một nữ sinh ở Bình Dương nhảy xuống đập nước tự tử hồi cuối năm 2015 sau khi để lại 5 bức thư tuyệt mệnh cho bố mẹ vì “phụ” sự trông mong của họ.

    Tâm lý phụ huynh ai cũng muốn con mình học giỏi, đậu vào trường tốt. Vì vậy họ thường gây áp lực cho con cái trong vấn đề học tập, nhất là gây sức ép con học phải thi đỗ và học tại các trường chuyên, lớp chọn, hay xếp loại nhất nhì của lớp mà không quan tâm áp lực đó đã “đè nén” về tinh thần và thể chất của con mình đến mức độ nào.

    Trên đường phố, chúng ta gặp không ít cảnh giờ tan tầm, các em học sinh sau một ngày vật lộn với các môn học chính quy tại trường lại tiếp tục được các ông bố bà mẹ đèo đến các lớp dạy thêm, các trung tâm luyện thi để hồi nhét kiến thức. Nhiều em vì khoảng cách từ trường học đến các lớp học thêm quá xa, đành phải ăn ngay trên đường di chuyển. Vòng tuần hoàn học, học nữa, học mãi không chỉ vào các ngày thường mà cả thứ bảy, chủ nhật, thậm chí ngày nghỉ lễ cũng không ngừng. Đặc biệt đối với học sinh cuối cấp, áp lực học thêm lại càng lớn hơn vì phải thi chuyển cấp vào trường chuyên, trường điểm hoặc trường công lập. Chính vì vậy một khi vòng kim cô ấy siết chặt mà kết quả không đúng được như kỳ vọng đã gây nên những hậu quả đau lòng.

    Để có kiến thức, sức khỏe, nhân cách, ứng xử tốt… chỉ ở nhà trường thôi là chưa đủ. Muốn học sinh phát triển toàn diện phải để cho các em hòa nhập với cộng đồng, được trải nghiệm cuộc sống, được tự do phát huy bản ngã, hình thành nhân cách… Con người là tổng hòa các mối quan hệ, không thể hy vọng gì ở tương lai của những người máy trơ lỳ cảm xúc, chỉ biết làm theo và thực hiện theo mệnh lệnh. Do đó hơn ai chết, chính mỗi cha mẹ nên là người chủ động giảm áp lực cho con ngay từ chính mỗi gia đình.

    Bùi Hạnh

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông