Chuyện thời cuộc: Hậu quả khôn lường!

17:10 25/02/2019

Theo Cục Y tế dự phòng, chỉ tính trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước ghi nhận 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam, không có trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, tính đến ngày 27-1, toàn thành phố ghi nhận 64 trường hợp mắc sởi. Trong số đó, 53% là trẻ lớn trên 5 tuổi và người lớn. Các trường hợp mắc sởi chủ yếu chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều (89%). Còn theo Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, số ca sởi tăng trong bối cảnh dịch sởi đang tăng cao trên cả nước và thế giới, đặc biệt 95% bệnh nhân sởi đều chưa được tiêm phòng.

Như vậy tình trạng bệnh sởi nói riêng và dịch bệnh gia tăng trong thời gian qua ngoài nguyên nhân khách quan thời tiết giao mùa dễ nảy sinh dịch bệnh còn có nguyên nhân chủ quan là việc phụ huynh bỏ hoặc tiêm phòng không đầy đủ cho con em mình. Sở dĩ có tình trạng trên là do tâm lý lo lắng của nhiều phụ huynh trước việc xuất hiện một vài ca tai biến sau tiêm chủng khiến nảy sinh tư tưởng tẩy chay tiêm phòng cho trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, đây là cách suy nghĩ không thấu đáo dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho chính con em họ cũng như cộng đồng xã hội. Theo các chuyên gia y tế, việc bỏ hoặc không tiêm phòng đầy đủ cho trẻ có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh bất kỳ lúc nào. Khi đó hậu quả để lại sẽ rất lớn với việc số bệnh nhân nhập viện hàng loạt. Quá trình điều trị dễ dẫn đến lây nhiễm chéo hay biến chứng gây tàn tật, thậm chí tử vong...

“Trẻ sinh ra phải được tiêm chủng, không tiêm thì sẽ bị bệnh và nguy cơ tử vong cao. Tất cả các loại vắcxin kể cả thuốc điều trị đã tiêm vào người thì chắc chắn có tỷ lệ phản ứng từ nhẹ cho đến nặng. Nhưng vẫn phải tiêm vì xác suất để cứu sống người rất nhiều so với tỷ lệ tai biến” - Đó là nguyên tắc của y học và chúng ta phải vận dụng.

Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam bắt đầu được triển khai thí điểm từ năm 1981 và được mở rộng dần hàng năm. Hơn 30 năm qua, nhờ thực hiện nhiều chương trình lớn về tiêm chủng mà hằng năm số trẻ mắc lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm màng não do Hib… tại Việt Nam liên tục giảm, thậm chí có những dịch bệnh đã được thanh toán hoàn toàn.

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, từ năm 1984 cho đến năm 2014, nhờ chương trình tiêm chủng mà trên cả nước số ca mắc ho gà giảm hơn 900 lần, bạch hầu giảm gần 600 lần, sởi hơn 550 lần, uốn ván giảm gần 60 lần.

Ước tính, Việt Nam đã dự phòng cho được 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc bệnh và 43.00 trẻ khỏi tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà uốn ván, sởi. Chiến dịch tiêm chủng góp phần giảm 2/3 tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015. Ngoài ra về mặt kinh tế, đầu tư tiêm chủng sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian hơn rất nhiều so với điều trị.

Khi phụ huynh do dự, không tiêm phòng cho con là bỏ qua mất thời điểm phòng bệnh tốt nhất cho con mình.Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ để có thể phòng ngừa các loại bệnh tật.

“Nếu bây giờ phụ huynh không tiếp vắc xin, không tiếp tục chích ngừa cho trẻ thì dịch bệnh chắc chắn sẽ quay lại và cái giá phải trả là sinh mạng của nhiều trẻ. Chống vắc xin là có tội với sức khỏe của cộng đồng, có tội với sức khỏe của nhân dân”.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông