Chuyện thời cuộc: Hưởng BHXH một lần - Lợi trước mắt, hại dài lâu

15:10 07/10/2018

Thời gian gần đây, tình trạng người lao động (chủ yếu là công nhân khu công nghiệp) xin hưởng trợ cấp BHXH một lần có xu hướng gia tăng. Đây quả là thực trạng đáng báo động nếu xét theo góc độ an sinh xã hội.

Bởi trong các chế độ của BHXH (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) thì hưu trí là chế độ dài hạn, là mục tiêu quan trọng nhất của chính sách BHXH nhằm lo cho cuộc sống của người dân lúc tuổi già. Do không hiểu đúng, hiểu đủ nên xuất hiện trong tâm lý của nhiều người sau một số năm lao động liền nghỉ việc, “ăn non” - hưởng chế độ BHXH một lần, coi đó như là một khoản tiết kiệm chứ không tính đến chuyện hưởng dài lâu là lương hưu.

Trừ một số trường hợp chính đáng phải nhận chế độ BHXH một lần, theo một số liệu thống kê, đến 80% số người nghỉ việc, thôi việc, hưởng chế độ BHXH một lần sau đó vẫn đi làm nơi khác. Điều đó cho thấy, mục đích của đa số người nghỉ việc là muốn nhận BHXH một lần chứ không phải là đã hết khả năng lao động.

 Các chuyên gia xã hội đã phân tích, hôm nay người lao động còn trẻ, lĩnh BHXH một lần là có một khoản tiền dùng để trang trải sinh hoạt trước mắt. Nhưng sau 60 tuổi, khi hết tuổi lao động rồi, thì người dân sống bằng cái gì nếu không có lương hưu?

Cũng có nhiều ý kiến làm phép tính cho rằng gửi tiền vào ngân hàng có lợi hơn là đóng BHXH. Vấn đề ở chỗ, họ không hiểu đúng về chế độ chính sách. Bởi trong 22% tiền lương đóng BHXH hàng tháng thì NLĐ chỉ đóng có 8%, còn doanh nghiệp đóng 14%. Nếu không đóng BHXH theo luật quy định, người lao động có thể lấy được 14% tiền lương của doanh nghiệp để  đem đi gửi ngân hàng để hưởng lãi không?

Ngoài ra, mỗi năm khoản tiền đóng BHXH tương ứng khoảng 2,64 tháng lương. Nhưng khi lĩnh BHXH một lần, chỉ được hưởng 2 tháng lương cho mỗi một năm làm việc. Như vậy, người lao động đã bỏ lại 0,64 tháng lương mỗi năm làm việc thì không thể nói chọn lựa đó có lợi được. Đó là tính toán đơn thuần trong một năm, còn nhìn tổng thể cả quá trình hàng chục năm, thì lĩnh hưu hàng tháng chắc chắn là lợi hơn nhiều so với lĩnh BHXH một lần.

Bên cạnh lương hưu, người tham gia BHXH còn được cấp thẻ BHYT, khi chết được mai táng phí, thân nhân được hưởng tuất một lần hoặc tuất hàng tháng với con dưới 18 tuổi, người già, người bệnh. Trong khi nếu nhận BHXH một lần thì không được hưởng các quyền lợi này nữa.

BHXH là trụ cột an sinh xã hội. Nếu như diện bao phủ không thay đổi như mục tiêu nhà nước đặt ra đạt 50% đến năm 2020 thì rõ ràng đây sẽ là một gánh nặng của nhà nước trong việc hỗ trợ những người cao tuổi hết tuổi lao động để vượt qua nghèo đói có xu hướng tăng lên.

 Đối với người lao động, cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là những người còn trẻ, nếu vì cái lợi trước mắt mà rút đi họ sẽ mất rất nhiều quyền lợi. Đó là sự bảo đảm an toàn về mặt thu nhập khi về già và hưởng chế độ BHYT, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tránh tình trạng như nhiều người sau khi tuổi già ập đến, không có chỗ dựa lương hưu, thẻ BHYT mới thấy hối tiếc, quay trở lại cơ quan BHXH xin được trả lại số tiền đã lĩnh 1 lần và đóng tiếp cho đủ năm để được hưởng chế độ chính sách thì đã muộn vì không được giải quyết.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông