15:58 27/11/2019 Trong những ngày vừa qua, trên diễn đàn thảo luận của các đại biểu Quốc hội, vấn đề “nóng” được đặt ra là tình trạng xây dựng sai phép, trái phép nói chung và một số công trình “khủng” tại một số vùng di sản nói riêng.
Công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì trên cả nước còn tồn tại hàng nghìn công trình xây dựng sai phép, trái phép, trong đó chủ yếu là lỗi vượt tầng, không đảm bảo tỷ lệ diện tích xây dựng cho phép, vi phạm hành lang các công trình, xây dựng công trình trên phần đất không được phép xây dựng… Nhiều địa phương đã xử phạt hành chính rồi cho công trình… tồn tại, rất ít phần công trình xây dựng sai phép, trái phép bị tháo dỡ, chặt bỏ.
Đối với những công trình nhà ở của người dân trong ngõ, ngách đã đành, nhưng cũng có không ít biệt phủ, nhà hàng, khách sạn, điểm dừng chân dành cho khách du lịch, điểm tham quan… là những công trình “khủng”, quy mô vài trăm đến hàng nghìn m2 thì vẫn chưa được xử lý tận gốc.
Không ít đại biểu quốc hội bức xúc, nhà dân trong ngõ, nghẽn, mới đổ xe cát, đặt viên gạch đầu tiên, lực lượng chức năng như quản lý đô thị, thanh tra xây dựng đã biết, đến làm việc, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, lẽ nào những công trình lớn như vậy lại không biết?!
Như chúng ta đã biết, một số công trình xây dựng sai phép, thậm chí trái phép thời gian qua gây rúng động dư luận, đơn cử như công trình du lịch tại Khu di sản văn hoá Tràng An-Ninh Bình, dãy nhà nghỉ dưỡng tại bán đảo Sơn Trà-Đà Nẵng, rồi vịnh Hạ Long-Quảng Ninh, pho tượng Bà Chúa Xứ thứ hai trên núi Sam tại An Giang, gần đây nhất là điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng-Hà Giang…
Điều đáng nói là khi sự việc vỡ lở, trao đổi với các cơ quan báo chí, chính quyền các địa phương nơi xảy ra vi phạm đều phản ánh đã xử phạt, đình chỉ. Song trên thực tế, việc đình chỉ chỉ ở trên giấy và công trình vi phạm vẫn tiếp tục thi công. Thế nên, công trình sai phạm không chỉ là một hai tầng mà là nhiều tầng, không chỉ là vài trăm m2 xây dựng mà là con số hàng nghìn?!
Đối với vùng di sản, nếu cứ để sai phạm xảy ra, rồi mới đập, phá bỏ thì sẽ tạo tiền lệ xấu. Vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp, cá nhân sẽ tìm mọi cách để “con voi chui lọt lỗ kim”.
Nhiều đại biểu quốc hội nhất trí cho rằng, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình thì cũng cần xem xét thẳng thắn, công minh trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Hơn ai hết, họ là những người nắm được khu vực nào được xây dựng công trình hay nhất định không? Xây dựng đến đâu, quy mô ra sao, kiến trúc như thế nào?
Chỉ khi nào các nhà quản lý hiểu rõ chức trách và hậu quả của việc buông lỏng thì khi đó mới hạn chế những công trình sai phạm!
Kim Oanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024