Chuyện thời cuộc: Không vì lợi ích riêng

08:49 02/12/2018

Nhiều năm qua xuất hiện tình trạng một số nông sản, thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán trên thị trường dưới tên gọi của sản phẩm cùng loại Việt Nam như cam Cao Phong, nhãn lồng Hưng Yên, nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt hay cá tầm Sa Pa…

Một trong những hình thức chủ yếu mà các nông sản ngoại (chủ yếu là nông sản từ Trung Quốc) thường sử dụng “đội lột” hàng Việt là sản phẩm được nhập về sẽ được thương lái trà trộn cùng với hàng Việt để bán ra thị trường.

Hoặc thay nhãn mác để đổi tên cho sản phẩm. Sở dĩ có hiện tượng trên là bởi lẽ từ lâu mặt hàng này không còn là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng như trước đây. Vì vậy để tiêu thụ sản phẩm, vì lợi nhuận, nhiều tiểu thương không còn cách nào khác là phù phép cho các mặt hàng này “thay tên đổi họ” để tiêu thụ trên thị trường.

Hành vi gian lận này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất, các doanh nghiệp chế biến nông sản, làm giảm uy tín của sản phẩm Việt mà còn trực tiếp cạnh tranh gay gắt với nông sản Việt và ảnh hưởng không nhỏ tới lòng tin của người tiêu dùng.

Trước hiện tượng nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt có chiều hướng diễn biến phức tạp, vừa qua Bộ Công Thương đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ phân tích, đánh giá cũng như đưa ra một số giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng này.

Theo đó, để khắc phục tình trạng nông sản nước ngoài “đột lốt” nông sản Việt, Bộ Công Thương đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản, thủy sản tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ.

Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ.

Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thiết nghĩ còn cần có sự chuyển biến về nhận thức của các thương nhân trong khâu phân phối sản phẩm. Chỉ khi nào họ không vì lợi nhuận riêng mà đánh đổi sức khỏe, lợi ích của cộng đồng thì vấn đề trên mới được giải quyết thực sự triệt để.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông