Chuyện thời cuộc: Khuyến sinh

11:22 05/11/2021

Ngành y tế được giao chủ trì soạn thảo và đang triển khai lấy ý kiến đóng góp vào Đề cương Luật Dân số. Trong đó có nội dung “khuyến sinh”, hỗ trợ tiền một lần cho sản phụ, nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số.

(Hình ảnh minh họa)

          Đây là quan điểm mới so với những quy định trước đây, kể từ khi chính sách kế hoạch hóa gia đình được triển khai thực hiện. Trong đó, kế hoạch hoá gia đình là trách nhiệm của Nhà nước, nỗ lực của xã hội và gia đình để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng chủ động, tự nguyện, bình đẳng quyết định thời gian sinh con, số lượng con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, thu nhập, nuôi dạy con.

Nói cho dễ hiểu, khẩu hiệu chủ đạo thường được dùng trong kế hoạch hóa gia đình từ trước đến nay là “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ một đến hai con”. Một số tổ chức, cơ quan, đơn vị còn gắn việc hạn chế sinh con vào các quy ước, với kết quả công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

          Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn yêu cầu của tăng giảm dân số có tính tác động khác nhau. Trong tình hình mới, mặt trái của việc hạn chế sinh sản đã dẫn đến già hóa dân số, làm mất cân đối nguồn lực lao động và tăng thêm trách nhiệm cho công tác bảo trợ xã hội. Đây là vấn đề nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp phải, và nguy cơ đối với Việt Nam cũng đã hiện hữu. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật dân số, phương pháp tiếp cận đã được thay đổi, trong đó nội dung khuyến sinh.

Tất nhiên, việc khuyến khích sinh sản theo Dự luật được áp dụng trên cơ sở phân vùng theo địa danh hành chính, xác định vùng có mức sinh cao và sinh thấp để thực hiện. Cụ thể, tại Điều 9 của dự thảo quy định: Đối với tỉnh có mức sinh thấp, Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai.

          Về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng chủ trương khuyến sinh bằng tiền không nên coi là chủ đạo. Bởi nhìn từ góc độ mỗi gia đình, trong trường hợp sinh con thứ hai, nếu chỉ nhận được 9 triệu đồng (hai tháng lương cơ bản) để nuôi thêm một con đến 18 tuổi thì lại là quá ít, vì vậy mức khuyến sinh bằng tiền như vậy khó phát huy tác dụng.

Ngược lại nhìn từ góc độ quốc gia, hiện cả nước có 21 tỉnh thành có mức sinh thấp, tương đương khoảng 39 triệu dân, nếu mỗi năm có khoảng 600.000 trẻ ra đời, thì ngân sách khó đảm bảo khi phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ, tính bền vững của chính sách này khó khả thi.

          Cho thấy, nhận thức nêu trên rất đáng quan tâm, bởi khác với những quy định trước kia về dân số, vốn chỉ là các văn bản chưa được luật hóa, còn hiện nay khi ban hành thành luật, các quy phạm cần được tính toán kỹ lưỡng, tạo một nền tảng bền vững trong chính sách dân số ở nước ta.

Thiết nghĩ, việc khuyến sinh là cần thiết trong một số bối cảnh nhất định, nhưng chính sách hỗ trợ rất cần sự đa dạng, lâu dài, đồng bộ và mang đến hiệu quả thiết thực.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông