Chuyện thời cuộc: Lan tỏa thông điệp nhân ái…

09:49 13/01/2019

Những ngày cuối tháng 12-2018 vừa qua, dư luận cả nước hết sức xúc động trước sự việc, anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, ở Ninh Bình), phát hiện bị mắc bệnh dị dạng mạch máu não. Biết mình sẽ phải ra đi, anh đã gọi toàn thể gia đình tới để nói lên tâm nguyện được hiến toàn bộ nội tạng.

Và di nguyện của anh đã được thực hiện! Anh đã “gửi lại” trái tim, 2 phổi, gan và 2 thận của mình trong cơ thể của 5 người bệnh nặng. Các bệnh nhân được ghép đều đã ổn định. Sau đó, bệnh việt tiếp tục sử dụng mạch máu của anh Quý được lưu trữ tại Ngân hàng mô của bệnh viện để nối mạch máu thành công cho bệnh nhân trong ca ghép gan phức tạp. Đây là lần đầu tiên y học ghi nhận trường hợp lấy và ghép 7 mô/tạng cho 6 người bệnh từ một người cho đa tạng chết não. 

Trước đó, vào tháng 3-2018, có tới 6 bệnh nhân của cả hai miền Nam-Bắc đã được “hồi sinh” sự sống nhờ nguồn tạng được hiến từ một chiến sỹ quân đội, một Đảng viên - thiếu tá Lê Hải Ninh với lời ước nguyện: “Anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng anh muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng ngời, theo dõi thấy được mẹ con em sống như thế nào”… Và những ngày cuối cùng của năm 2018 vừa qua, bé trai M.R, ở Phú Thọ, 4 tuổi, qua đời sau một vụ tai nạn đã để lại giác mạc giúp hồi sinh đôi mắt cho hai người khác vào đúng ngày sinh nhật của mình.

Những hành động cao cả, thiêng liêng trên lay động cả trăm triệu trái tim người dân Việt. Điều đáng trân trọng hơn là di nguyện của người quá cố được người thân họ đồng tình. Bởi họ “hiểu rằng, sự ‘cho đi’ là ‘còn mãi mãi… Đâu đó trên cõi đời này, con em chúng tôi vẫn còn hiện diện và dõi theo chúng tôi…”.  “Chết không phải là chấm hết mà cuộc sống vẫn tiếp tục được nối dài”...

Hiện nay, nhu cầu được ghép tạng ở các bệnh nhân suy tạng (như suy gan, tim, thận) hoặc mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư, bệnh mắt… trên cả nước rất nhiều. Mỗi năm có hàng trăm nghìn người có nhu cầu được ghép tạng và cũng chỉ có biện pháp đó mới có thể cứu chữa được. Trong khi đó, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam giờ rất phát triển, chúng ta làm được hầu hết các ca ghép tạng phức tạp nhưng khó khăn lớn nhất bây giờ là nguồn tạng hiến.

Văn hóa của Việt Nam chưa có quan niệm cho đi phần thân thể của người trong khi ở các nước phương tây, những người đăng ký hiến tạng rất phổ biến, cơ sở y tế sẽ lấy ngay tạng của những người chẳng may gặp nạn này để ghép cho những người bệnh đang chờ đợi.

Việc làm tiên phong của những gia đình trên đã vượt qua rào cản và trở ngại về văn hóa, là động lực làm lan tỏa tới hàng triệu trái tim về tình yêu thương và trách nhiệm của mỗi người dân đối với xã hội. Đồng thời còn truyền đạt một thông điệp góp phần không nhỏ trong việc lay chuyển suy nghĩ và nhận thức của người Việt.

Hy vọng từ những hành động cao cả trên, phong trào hiến tạng sẽ được lan toả rộng rãi trong toàn xã hội, để có thể giúp cho nhiều người đang cần tạng cấy ghép mà chưa có nguồn can thiệp, giúp họ ở lại và cống hiến thêm cho cuộc đời, cho xã hội.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông