Chuyện thời cuộc: Linh hoạt

17:28 10/03/2020

Hiện ở nước ta ngành công nghiệp dệt may ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Điều này thể hiện ở việc ngành dệt may không chỉ phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao và phong phú, đa dạng của người dân mà còn giúp nước ta giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho xã hội và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách quốc gia, tạo điều kiện để phát triển nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu giảm tốc khi chỉ đạt 4,5 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Việc xuất khẩu giảm đã được các DN trong ngành nhìn thấy trước, bởi lẽ khi các hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị ngưng trệ vì dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nguyên phụ liệu của ngành may Việt Nam. Các thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu vải nói chung giảm 10,5%, cùng với đó chỉ số công nghiệp ngành may mặc chỉ tăng 0,2%.

 Nguyên liệu là vấn đề mấu chốt của ngành may và ngành này đang phụ thuộc khoảng 50% vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Rất nhiều DN nhỏ chỉ có nguyên liệu đến hết tháng 2, một số còn đến tháng 3 và rất ít có đến đầu tháng 5/2020. Để tìm nguyên liệu phù hợp không dễ vì hiện sản phẩm dệt may hầu hết xuất khẩu đi châu Âu, Hoa Kỳ,… nên phải đáp ứng nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu từ vải trở lên. Trong những nước mà Việt Nam có thể tìm mua nguyên liệu chỉ có Hàn Quốc là có FTA với châu Âu. Trong khi nước này không đủ nguyên liệu để cung cấp cho cả ngành dệt may của Việt Nam. Do đó, việc chọn nguồn nguyên liệu ở trong nước là một giải pháp linh hoạt và tương đối hiệu quả mà một số doanh nghiệp trong nước đã thực hiện.

Mặt khác, liên quan đến thị trường nội địa, Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, với dân số gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm từ 5 - 6% chi tiêu của người dân Việt Nam, tương đương từ 3,5 - 4 tỷ USD. Chính vì thế việc hướng vào nội địa được cho là giải pháp tốt với DN trong bối cảnh hiện nay.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các tháng tới, việc xuất khẩu dệt may chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức. Vì thế việc giải quyết nguồn nguyên liệu, cơ cấu lại sản xuất và tập trung cho thị trường nội địa sẽ phần nào giúp DN duy trì sản xuất, trụ vững trong bối cảnh khó khăn đó.

PV

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông