Chuyện thời cuộc: Lời xin lỗi.

00:11 27/07/2018

Vừa qua, trên truyền hình phát một chương trình có chủ đề “Ngập nước tại thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân và giải pháp” gây xúc động đặc biệt đối với khán giả cả nước.

Trong phóng sự, anh công nhân thoát nước Ngô Chí Hùng đã kể về những vất vả, hiểm nguy phải đối mặt dưới lòng cống. Đó là không ít lần anh bị bỏng rộp da bởi những hóa chất của những tòa nhà xây dựng tuồn thẳng xuống cống.

Có những hôm lần mò trong cống đạp phải kim tiêm, vật kim loại tứa máu, đau đến thấu tim. Rồi có khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài thì nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vào đầu… “Nhưng vì công việc tui cắn răng mà chịu, mong sao bà con mình để rác đúng nơi đúng chỗ, đừng xả hết xuống cống nữa”…

Nhìn gương mặt lấm lem, bẩn thỉu vì phải chui xuống thông tắc đường cống cùng những lời tâm sự chân thành của anh Hùng, không nén được nỗi xúc động, bà Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nghẹn lời phát biểu: “Việc để rác đúng nơi đúng chỗ không chỉ góp phần giảm ngập, làm cho thành phố xanh, sạch hơn.

Giải pháp này không phải tốn tiền nhưng thời gian qua, chính quyền thành phố, mặt trận các đoàn thể chưa làm tốt vấn đề này. Thay mặt chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, tôi xin lỗi về những vất vả, nguy hiểm mà công nhân thoát nước như anh Hùng phải đối mặt”.

Lời xin lỗi chân thành của lãnh đạo thành phố trước một công nhân thoát nước thực sự đem lại rất nhiều xúc cảm cho người tham dự. Việc xin lỗi của cán bộ lãnh đạo, ở mức độ nào đó trước hết thể hiện sự lắng nghe phản ánh từ người dân.

Cùng với đó còn thể hiện khả năng nhìn nhận đánh giá lại chính bản thân và ít nhiều họ đã thừa nhận những khuyết điểm, thiếu sót. Chính vì vậy, sự xin lỗi không chỉ giải tỏa bức xúc của những người có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng mà ở mức độ nào đó, cùng với sự chân thành của người xin lỗi còn tạo ra mối quan hệ có sự cảm thông chia sẻ.

Từ sự việc trên nhìn rộng ra, tình trạng ngập lụt không chỉ là vấn nạn của thành phố Hồ Chí Minh mà còn là nỗi khổ của rất nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Ngoài những yếu tố như thiếu cống thoát nước; để xảy ra lấn chiếm sông, rạch, hệ thống thoát nước và quy hoạch lỗi thời không thể không nhắc đến tình trạng xả thải bừa bãi vào hệ thống thoát nước. Hình ảnh người dân trong sinh hoạt hàng ngày, thản nhiên xả thẳng rác xuống hố ga, vô tư quăng túi rác bọc nilon vào các kênh rạch, sông hồ.

Hay vào những ngày rằm tháng Bảy, cúng ông Công ông Táo, người dân đựng cá trong túi nilon cho tiện, khi phóng sinh tiện tay “phóng” luôn cả tấn nilon xuống khiến mặt nước nhiều khi kín đặc cả góc.

Đã đến lúc mọi người ta nên nhìn nhận lại thái độ và ý thức trong việc xả rác ra môi trường công cộng. Thay vì trách cứ nhau, trách cứ các cơ quan hữu quan mỗi khi xảy ra tình trạng ngập ứ thì trước hết cũng nên nhìn lại bản thân mình đã làm gì, sẽ làm gì để góp phần giảm ngập. Bởi mỗi thay đổi nhỏ trong việc không xả rác bừa bãi cũng sẽ góp phần giảm ngập cho toàn xã hội.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông