09:33 19/03/2019 “Tôi mất niềm tin vì đến thức ăn bẩn, hại đến các cháu mà họ còn dám làm”, có lẽ đây là tâm trạng của nhiều người khi các trường hợp là các cháu bé tại Bắc Ninh xét nghiệm dương tính với sán lợn ngày càng tăng.
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch là đạo đức, lương tri của doanh nghiệp
Trong những ngày qua Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương bị quá tải với hơn 1.600 cháu bé được người thân đưa đến đây làm xét nghiệm.
Với hơn 200 trường hợp có kết quả dương tính thì nhiều cha mẹ, ông bà đã bật khóc ngay tại chỗ và hoang mang lo ngại về sức khoẻ của con cháu mình.
Sáng 18-3 trong cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế điều động ngay bác sỹ, lực lượng chuyên môn, thiết bị về xét nghiệm sán lợn cho các em tại huyện Thuận Thành-Bắc Ninh, thay vì người dân phải đi từ 3h sáng lên Hà Nội. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ nguyên nhân, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Có lẽ, đây cũng không phải là lần đầu tiên dư luận choáng váng về những thông tin động trời như vậy. Trước đây đã xảy ra việc tôm, cua tiêm tạp chất; giò chả tẩm hàn the; hoa chuối ngâm bột tẩy trắng; nội tạng lợn bốc mùi hôi thối… và nhất là sản xuất thuốc điều trị ung thư giả?!
Chưa bao giờ nỗi lo về thực phẩm bẩn lại “nóng” như hiện nay. Điều khiến người tiêu dùng lo lắng hơn cả là một số tổ chức, cá nhân vì hám lợi mà đã sẵn sàng “đầu độc” chính đồng loại của mình bằng nhiều phương thức khác nhau, nhắm đến mọi đối tượng, tầng lớp.
Trong một hội nghị về an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi thông điệp tới các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đó là: Cần có đạo đức con người!
Từ những câu chuyện về an toàn thực phẩm tại các quốc gia tiên tiến, phát triển thì nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm được kiểm soát rất nghiêm ngặt, mức xử phạt cũng rất cao.
Bên cạnh việc xử phạt tiền, chủ cơ sở vi phạm còn bị phạt tù, trên thực tế không ít thương hiệu đồ ăn, nước uống còn bị tẩy chay dẫn đến thua lỗ, phá sản. Thế nhưng đó lại là “tấm gương” để các cơ sở, cá nhân khác nhìn vào và không vì hám lợi mà làm liều.
Ở nước ta, vẫn cần hơn nữa sự công khai từ khi phát hiện đến giai đoạn xử lý, thậm chí là xét xử những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân.
Có như vậy mới vừa có tác dụng răn đe và buộc các cơ sở, doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời đánh thức lương tri, đạo đức con người biết yêu thương đồng loại nhiều hơn.
Kim Oanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024