Chuyện thời cuộc: Ngăn chặn hàng giả “made in Vietnam”

08:38 28/09/2019

Gần đây, xuất hiện tình trạng hàng hoá lưu thông trên thị trường trong nước nhưng xuất xứ không đúng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam, hàng chất lượng thấp, giá rẻ. Có hàng hoá thẩm lậu qua biên giới vào Việt Nam mà trên bao bì ghi rõ là xuất xứ tại Việt Nam.

Điều đáng nói là việc hàng nước ngoài đội lốt xuất xứ hàng Việt không mới, nhưng mới trong tính chất hoạt động thương mại. Trước đây sản phẩm gian lận xuất xứ để tranh thủ lợi dụng ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như đội lốt để xuất khẩu đi EU, xuất vào các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên hiện nay, gian lận xuất xứ hàng Việt lại nhắm ngay vào tiêu thụ tại Việt Nam.

Đây là "hiện tượng mới và có điểm bất thường". Việc này gây tổn hại tới thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc, tình cảm và xu thế của người tiêu dùng. Đặc biệt điều này còn gây tổn hại không nhỏ đối với nền kinh tế trong nước, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Tổng cục Hải quan đã phát hiện nhiều giấy chứng nhận giả mạo về nguồn gốc sản phẩm. Trong đó có việc chuyển đổi nguồn gốc hàng hóa bất hợp pháp ở các ngành nông nghiệp, dệt may, thép và nhôm. Việc này có thể dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị trừng phạt khi cho phép hàng giả “made in Vietnam” xuất khẩu sang nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính và có đòi hỏi cao.

Trước tình trạng trên, người phát ngôn Bộ Ngoại trong họp báo, trả lời câu hỏi về biện pháp ngăn hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ đã khẳng định "Việt Nam kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ trên thị trường, cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng". Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin với các nước nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Gần đây nhất, chiều 13/9, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với các hiệp hội ngành hàng nhằm lắng nghe các kiến nghị về đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại, xuất xứ, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Cuộc họp được đánh giá là cơ hội hốt để đại diện các hiệp hội nêu rõ thực trạng những khó khăn, vướng mắc cũng như đưa ra những ý kiến, đề xuất với cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới có nhiều biến động, động thái này của Việt Nam thể hiện thái độ kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, xuất xứ trên thị trường Việt Nam cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu. Qua việc đồng hành cùng doanh nghiệp còn thể hiện lập trường nhất quán trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như của người tiêu dùng Việt Nam.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông