Chuyện thời cuộc: Nghịch lý?!

08:46 18/11/2019

Theo công bố của tổ chức Educatioan Firts-tổ chức giáo dục quốc tế tại Thuỵ Điển về bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu mới đây, Việt Nam nằm trong tốp các quốc gia sử dụng tiếng Anh thấp trên thế giới. Đánh giá trên khiến nhiều chuyên gia, thầy cô, phụ huynh sửng sốt!

Vì sao việc dạy và học tiếng Anh ở nước ta lại ở mức độ đáng báo động trên, trong khi từ Chính phủ đến các địa phương, nhà trường và cả hàng triệu gia đình đã, đang đầu tư cho con em mình?

Được biết, từ năm 2008 Chính phủ Việt Nam đã cho thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2008-2020 với số tiền đầu tư cho các chương trình, dự án trên toàn quốc là gần 10.000 tỷ đồng. Tiếp đến, các Trung tâm Anh ngữ nở rộ từ thành thị tới nông thôn, con em các gia đình không chỉ học tiếng Anh, rồi tiếng Anh có giáo viên nước ngoài giảng dạy không chỉ trên lớp mà còn ở trụ sở các Trung tâm, các lớp dạy tiếng Anh từ xa, trên mạng... Bên cạnh đó là rất nhiều cuộc thi tiếng Anh được tổ chức từ cấp trường tới cấp quốc gia.

Theo phân tích của những người trong cuộc, nhất là các chuyên gia đã từng du học ở nước ngoài rồi trở về Việt Nam dạy tiếng Anh thì từ đánh giá… đáng buồn trên, các nhà làm công tác giáo dục, các thầy cô trực tiếp giảng dạy môn tiếng Anh phải cùng ngồi lại chỉ ra nguyên nhân rồi tìm giải pháp nhằm giúp việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam đạt hiệu quả hơn.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia thì lâu nay từ thầy cô đến học trò các cấp dạy và học tiếng Anh đều nhắm tới mục tiêu là vượt qua các kỳ thi. Chính vì vậy nên giáo trình tiếng Anh cũng mang nặng các tiêu chí đáp ứng các kỳ thi và không chú trọng đến năng lực thực hành như kỹ năng nghe, nói.

Hệ luỵ là sinh viên đạt chứng chỉ tiếng Anh B, C nhưng vẫn bị các doanh nghiệp có sử dụng tiếng Anh, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài… chối từ và tất yếu các em mất cơ hội tìm được việc làm!

Như vậy, mặc dù tiếng Anh được đưa vào chương trình giáo dục từ những năm của thời kỳ bắt đầu đổi mới-năm 1986-song, hơn 30 năm qua, kết quả dạy và học đã không đạt kết quả như mong đợi.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực châu Á như Singgapo, Malayxia, Philippin, Hong Kong, Hàn Quốc, Ấn Độ…các chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam cần sớm thay đổi trong tư duy và cách dạy, học tiếng Anh. Trong đó, cùng với việc nâng cao thời lượng dạy và học là hướng tới mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp, từ đó từng bước cải thiện chỉ số sử dụng thông thạo tiếng Anh, nhất là của thế hệ trẻ Việt Nam.  

Kim Oanh

  

  

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông