Chuyện thời cuộc: Nhận thức

13:19 20/01/2020

Cứ vào cuối năm lại “nóng” việc gia tăng nhu cầu đổi tiền mệnh giá nhỏ, đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng. Những đồng tiền mệnh giá nhỏ này một phần được sử dụng để mừng tuổi trong dịp tết, còn lại chủ yếu phục vụ cho việc đi lễ đầu năm của người dân.

Điều đáng nói là vài năm gần đây, những nét văn hóa tốt đẹp tại các điểm tâm linh đang dần bị biến tướng với hình ảnh những tờ tiền mệnh giá thấp, 200, 500, 1.000, 2.000, 5.000 bị rải đầy các ban bệ bị nhét, kẹp, dúi vào các tượng Phật, cành cây, hốc đá, lềnh bềnh trong các giếng nước hay rơi trên đất bị nhiều người giẫm lên. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh đồng tiền và nét đẹp văn hóa của Việt Nam từ bao đời nay.

 Ngoài ra nhu cầu cao trong việc sử dụng tiền lẻ tập trung vào dịp đầu năm còn làm phát sinh thêm hoạt động kinh doanh dịch vụ đổi tiền với mức chênh lệch khá cao, làm rối thị trường tiền tệ, gây khó khăn trong công tác quản lý của nhà nước.

 Chính vì vậy từ năm 2013, Ngân hàng nhà nước đã có chủ trương hạn chế in tiền mới mệnh giá nhỏ nhằm chấn chỉnh tình trạng trên. Và sáng ngày 7-1 vừa qua, thêm một lần nữa đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam khẳng định chủ trươngtiếp tục không phát hành tiền lẻ mới mệnh giá dưới 10.000 đồng trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Với việc không phát hành thêm tiền lẻ mới dịp Tết 2019, đây là năm thứ 6 liên tiếp Ngân hàng nhà nước đưa ra chủ trương này.

Cũng theo đại diện Ngân hàng nhà nước, với việc chủ trương không đưa tiền lẻ mới in ra lưu thông trong dịp này, ước tính sẽ giúp NHNN tiết kiệm khoảng 390 tỷ đồng. Nâng tổng số tiền tiết kiệm được sau 6 năm thực hiện chủ trương này (từ 2013) lên con số gần 2.600 tỷ đồng.

Chủ trương của ngành ngân hàng đã rõ ràng, các cơ quan chức năng cũng siết chặt quản lý với quy định pháp luật xử lý hành vi đổi tiền không đúng quy định có mức phạt tiền lên tới 40 triệu đồng. Vậy tại sao tình trạng đổi tiền mặt trên “chợ đen” vẫn diễn ra sôi động, nhất là khi mạng xã hội ngày càng bùng nổ. Câu trả lời đơn giản: có cầu ắt có cung.

Do đó, muốn giải quyết triệt để “chợ đổi tiền” thì cốt lõi vẫn là nâng cao nhận thức của người dân. Người dân cần hiểu rằng, với tấm lòng của mình, khi đến các nơi thờ tự, cách văn hóa nhất là thả tiền vào hòm công đức, dù ít hay nhiều nhưng đã là tâm linh là do thành tâm, không nên câu nệ chuyện nhiều hay ít. Việc đổi tiền chẵn lấy tiền nhỏ nhằm mục đích rải khắp các ban bệ không phải là cách thể hiện lòng thành, đồng thời cũng không giúp cho lời cầu xin sẽ trở nên linh ứng hơn. Chính tại các không gian linh thiêng càng cần cách ứng xử trang nghiêm, văn hóa thông qua những hành vi đúng mực. Điều đó không chỉ trả lại không gian tôn nghiêm văn hóa mà còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông