15:45 29/11/2019 Tính đến tháng 10, dịch tả lợn châu Phi khiến tổng số lợn nước ta buộc phải tiêu hủy gần 5,7 triệu con, tương đương với hơn 327 nghìn tấn. Điều đáng nói, trong khi thị trường lợn thịt trong nước còn gặp nhiều bất lợi do nguồn cung sụt giảm thì tại một số vùng biên lại xảy ra tình trạng thẩm lậu lợn thịt.
Nguyên nhân cũng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nước láng giềng phải tiêu hủy khoảng 200 triệu con lợn. Điều này khiến nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng đẩy giá thịt lợn tại nước này cao chưa từng có. Đồng thời làm xảy ra tình trạng vận chuyển bất hợp pháp lợn và các sản phẩm lợn giữa Việt Nam và các nước giáp ranh.
Việc lợn thịt của Việt Nam bị thẩm lậu sang nước láng giềng trong bối cảnh nguồn cung nước ta cũng bị thiếu hụt không chỉ trực tiếp đẩy giá lợn hơi trong nước tiếp tục tăng mà còn tiềm ẩn nguy cơ các loại mầm bệnh xâm nhiễm từ nước ngoài vào nước ta rất cao. Trước nguy cơ cận kề, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh khác có thể phát sinh, tiến tới sớm kiểm soát được dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Bộ Công thương; UBND các địa phương về tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia có chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.
Cùng với đó, chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp; phối hợp chi đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành.Thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào Việt Nam.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh. Bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam. Tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho vỉệc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn nhập khẩu trái phép ra, vào Việt Nam…
Thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nguồn cung càng khan hiếm kéo theo nhu cầu càng tăng cao. Do đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, triệt để thì mới có thể tự bảo vệ mình trước tình hình trên.
PV
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024