Chuyện thời cuộc: Suy ngẫm giáo dục

21:27 06/01/2020

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, trong những ngày đầu năm mới, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc gặp gỡ và trao đổi với nhóm sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Buổi đối thoại tập hợp các nhà tri thức hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực liên quan, song nội dung, thái độ của những người tham gia cuộc trao đổi khiến nhiều người, nhất là thầy cô, các bậc phụ huynh không khỏi suy ngẫm, thậm chí là…buồn!

Nói là cuộc gặp gỡ, trao đổi nhưng lại diễn ra rất gay gắt với các quan điểm trái chiều. Đại diện Bộ GD&ĐT là Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài tài thì quy trình thẩm định sách giáo khoa của bộ là hoàn toàn đúng, minh bạch. Ông Tài cũng cho biết, trong đợt thẩm định đầu tiên có 49 bản thảo sách giáo khoa đăng ký, trong đó có 38 bản thảo được hội đồng thẩm định đánh giá đạt và 11 bản thảo không đạt ở cả vòng 1,2. Các thành viên hội đồng thẩm định nghiên cứu độc lập rồi mới có các buổi làm việc chung, đối thoại với tác giả và tiến hành bỏ phiếu.

Tiếp đến, Giáo sư Trần Kiều-Chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia môn toán cũng khẳng định: Chúng tôi không chịu sức ép nào khi thẩm định!

Còn về phía nhóm tác giả sách giáo khoa thì Tiến sỹ khoa học Nguyễn Kế Hào cho rằng nên thẩm định theo cách khác, các hội đồng cần có tư duy cởi mở, vận dụng linh hoạt, đảm bảo đầu ra các lớp học, cấp học. Sách công nghệ không nên loại bỏ mà đưa vào sử dụng, góp phần phát triển giáo dục nước nhà.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì chỉ có mục đích duy nhất là làm sao xác nhận bộ sách công nghệ cho năm học mới?

Các ý kiến tranh cãi căng thẳng đến mức Giáo sư Trần Đình Sử đã mất bình tĩnh và nhấn mạnh không đồng ý cho ai xúc phạm mình!

Theo dõi buổi đối thoại, nhiều người nhận ra rằng các trí thức đầu đàn, trưởng thành từ nghề giáo, nghiên cứu nhưng lời lẽ thật chát chúa, thiếu hoà nhã. Đặc biệt, thay vì tranh luận cái hay, cái dở, để rồi tìm ra phương án, phương pháp, kiến thức tốt nhất, từ đó dạy dỗ con cháu ở lớp đầu tiên của bậc tiểu học thì các vị giáo sư, tiến sỹ lại sa đà vào tranh cãi về quy trình, về tính khách quan, minh bạch…

Lâu nay, lĩnh vực giáo dục vẫn được coi là tế nhị, tác động đến hàng triệu gia đình, nhiều thế hệ. Đảng, Nhà nước cũng luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu để chăm lo cho thế hệ mai sau để giúp ích nước nhà. Nên chăng các vị trí thức, các thầy giáo, ông giáo trao đổi, tranh luận về mục tiêu cao quý ấy?!

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích