Chuyện thời cuộc: Thẳng thắn!

17:11 29/12/2019

Với phương châm chính phủ kiến tạo, những năm gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn dành thời gian đối thoại với hàng nghìn doanh nghiệp, người nông dân, sinh viên… trên cả nước. Trong những cuộc đối thoại ấy, Thủ tướng lắng nghe, động viên, khích lệ và đặc biệt là chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, nông sản, khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp…

Sáng 23-12 vừa qua, Thủ tướng đã đối thoại với 1.000 doanh nghiệp trên toàn quốc. Nhìn nhận con số doanh nghiệp không ngừng gia tăng với trung bình 126.000 doanh nghiệp/năm, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, vui mừng vì đây là nguồn lực lớn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển KTXH…Song Thủ tướng cũng không giấu diếm rằng “thấm thía khi mỗi năm cũng có hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, trong đó có nhiều thương hiệu tên tuổi”. Đồng thời nhấn mạnh “Chính phủ sẽ phải tiếp tục hành động, hành động gấp để tháo gỡ nút thắt giúp doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, nhưng phát triển bền vững”. 

Trong những lần đối thoại trước đây, ngay sau hội nghị, trước chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Nghị quyết 35 về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đã được ban hành. Mới đây nhất là Chỉ thị số 20 về việc không được thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm, trừ trường hợp đột xuất. 

Tại hội nghị đối thoại cuối năm 2019 này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra 20 điểm chồng chéo trong thủ tục hành chính và lĩnh vực xây dựng đang “bó tay, bó chân” doanh nghiệp. Thậm chí, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn-chuyên gia kinh tế trường Đại học Fullbright Việt Nam còn phản ánh một số sở, ngành còn bàng quan, vô cảm với khó khăn của doanh nghiệp.

Trước những thông tin trên, Thủ tướng đã gay gắt đề nghị chỉ rõ “địa chỉ” cơ quan nào gây phiền hà, văn bản của bộ, ngành nào gây cản trở cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Và ông cũng muốn nghe được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp hơn nữa về cải cách thủ tục hành chính, thể chế, thanh kiểm tra… Còn các bộ, ngành, địa phương cần chấm dứt ngay tình trạng hù doạ doanh nghiệp, nhũng nhiễu, đá qua đá lại…

Có thể thấy sự thẳng thắn, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ mỗi năm lại ở mức cao hơn, tất cả vì mục tiêu tạo thuận lợi, ổn định, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và những cơ quan, cá nhân gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp cũng sẽ phải “chờn”!

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông