15:37 14/06/2018 Định hướng thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ đã khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh việc phát hành thẻ. Tuy nhiên, để giành thị phần, vô tình các ngân hàng đã tạo ra một cuộc đua ngầm với việc phát hành tràn lan khiến kết quả không đúng như tinh thần ban đầu.
Ngoài giao chỉ tiêu thẻ cho nhân viên, nhiều ngân hàng còn triển khai chương trình miễn phí phát hành thẻ, hỗ trợ khách hàng kê khai tại nhà, cơ quan. Từ đó làm nảy sinh thực tế 1 người có thể sở hữu 3, 4, thậm chí cả chục thẻ ATM của cả chục ngân hàng nhưng chỉ sử dụng 1 thẻ, thậm chí không hề sử dụng bất cứ thẻ nào. Trong khi đó, theo quy định của ngân hàng, khoảng từ 6 tháng đến 1 năm, nếu khách hàng không có giao dịch với ngân hàng thì tài khoản sẽ tạm thời bị đóng băng.
Theo số liệu Hội Thẻ VN đưa ra, tính đến cuối năm 2017, đã có 132 triệu thẻ ngân hàng được phát hành, nhưng trên thực tế chỉ có 77 triệu thẻ hoạt động thực sự. 55 triệu thẻ còn lại là thẻ “rác" hay còn gọi là thẻ “đóng băng”. Con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng do các ngân hàng hiện vẫn đang ráo riết phát hành thêm, nhất là loại thẻ ATM.
Mỗi thẻ phát hành ra buộc phải có những khoản chí phí nhất định. Với ngân hàng là chi phí phôi thẻ, chi phí quản lý, còn với khách hàng là một khoản phí nhất định khi mở thẻ.
Cho dù tổng chi phí để phát hành mỗi thẻ có thể chỉ là vài nghìn hay vài chục nghìn đồng, nhưng với hơn 50 triệu thẻ "đóng băng" trên cả nước (và chưa có dấu hiệu dừng) thì rõ ràng số tiền lãng phí là rất lớn, trái với định hướng ưu việt không dùng tiền mặt ban đầu của nhà nước.
Đã đến lúc các ngân hàng cần quy định chỉ tiêu cho nhân viên dựa trên số lượng thẻ có hoạt động thực sự, có phát sinh giao dịch thay vì số lượng thẻ được phát hành.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát trong thời gian nhất định, nếu khách không sử dụng thẻ, ngân hàng phải liên hệ để tìm hiểu về nhu cầu thực sự của khách hàng… tránh tình trạng phát hành ồ ạt, tràn lan và lãng phí như hiện nay.
PV
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024