Chuyện thời cuộc: Thương hiệu

09:40 21/10/2018

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế với những điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng thương hiệu riêng cho mình và hàng hoá của mình là điều hết sức cần thiết.

Bởi khi bước vào sân chơi toàn cầu hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam qua việc sẽ được tiếp cận với nhiều thị trường hơn, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản, đồ thủ công, mỹ nghệ, linh kiện máy móc, điện tử… được xuất khẩu hơn. Tuy nhiên, khi cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt cũng đồng nghĩa với rất nhiều thách thức và cạnh tranh khốc liệt.

Vấn đề là thực tế hiện nay không có nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được người tiêu dùng trên thế giới biết đến thương hiệu. Không có thương hiệu làm sao cạnh tranh? Do đó bấy lâu nay vẫn có một thực trạng đáng buồn là rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như chè, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo… có chất lượng tốt, xuất khẩu nhiều nhưng luôn mất giá, giá thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước khác, thậm chí người tiêu dùng thế giới khi sử dụng không hề biết họ đang thưởng thức các sản phẩm của Việt Nam.

Thương hiệu Việt không còn đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, mà còn là tài sản rất có giá trị, là uy tín của doanh nghiệp và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu chính là để tạo ra cho được một "hình ảnh rõ ràng và khác biệt" của riêng doanh nghiệp, để người tiêu dùng trên thế giới biết đến và có sự lựa sản phẩm đó trong muôn vàn các hàng hoá cùng loại khác đang được bày bán trên thị trường. 

Theo các chuyên gia kinh tế phân tích, hiện nay đa phần doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ vẫn hạn chế truyền thông về thương hiệu vì sợ chi phí tốn kém. Cách làm này khác hẳn với các hãng nước ngoài hoặc một số tập đoàn lớn của Việt Nam là bỏ tiền để đầu tư truyền thông trước, kéo doanh thu sản phẩm lên sau. Ngoài ra, ngược với thế giới là các doanh nghiệp khi bắt tay vào sản xuất, kinh doanh đã phải có chiến lược xây dựng thương hiệu thì ở Việt Nam khâu chủ động này thường là do các cơ quan chức năng phải “hô hào”, vận động.

Một thương hiệu được xây dựng chuyên nghiệp sẽ cho thấy cam kết nghiêm túc của bạn đối với khách hàng cũng như đối với chính doanh nghiệp cho hoạt động kinh doanh của mình. Qua đó sẽ làm tăng uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng và đối tác cũng nhưtính cạnh tranh.

Muốn vươn ra biển lớn thì phải chấp nhận “quy luật cuộc chơi”. Việc xây dựng thương hiệu hàng hóa là việc cần và các doanh nghiệp phải chủ động. Bởi  thương hiệu không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm mà còn là chiến lược để phát triển thị trường, nâng cao giá trị và hiệu quả của sản xuất, tạo động lực cho quá trình phát triển thương mại được bền vững, lâu dài.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông