Chuyện thời cuộc: Trả sổ BHXH cho người lao động - Nên hay không nên?!

14:44 11/05/2019

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, người lao động (NLĐ) có quyền được giữ sổ BHXH để quản lý, theo dõi quá trình tham gia BHXH của bản thân, của chủ sử dụng lao động.

 Việc bàn giao sổ BHXH cho NLĐ còn góp phần hạn chế tình trạng các doanh nghiệp (DN) trốn đóng BHXH và giúp chủ động hơn trong việc thực hiện giải quyết các chế độ BHXH cho NLĐ.

Triển khai quy định này, ngành BHXH đang nỗ lực tập trung triển khai việc cấp sổ BHXH điện tử cho người tham gia với mục tiêu chậm nhất đến hết năm 2020 phải hoàn thành được việc này.

Tuy nhiên thời gian gần đây, lợi dụng điều này, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng NLĐ đem sổ BHXH đi thế chấp ngân hàng thương mại để thực hiện các hợp đồng tín dụng.

Thực tế này không chỉ gây lộn xộn trong việc cấp, quản lý sổ BHXH mà còn chứa đựng nguy cơ rủi ro cao đối với các ngân hàng cũng như NLĐ nếu xảy ra tình trạng người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay. Thậm chí có tình trạng NLĐ đem sổ BHXH đi thế chấp nhưng lại lên cơ quan BHXH khai báo mất sổ và xin cấp lại. Hoặc trong quá trình tự bảo quản bị thất lạc sổ…

 Trước thực tế trên, ngành BHXH đã tổ chức hội nghị nhằm phân tích, làm rõ những trách nhiệm, quyền lợi cũng như thảo luận để đề ra các giải pháp tháo gỡ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện chưa có quy định nào về việc “không được cầm cố sổ BHXH” nên người ta vin vào cớ đó để mang sổ BHXH đi giao dịch. Do đó cần sửa đổi Luật BHXH để cấm và không cho phép NLĐ thực hiện hành vi giao dịch sổ BHXH. Ngân hàng không nên nhận thế chấp trong trường hợp này.

Theo lãnh đạo BHXH, nếu NLĐ cố tình lạm dụng việc cấp thẻ để trục lợi  thì BHXH Việt Nam cũng sẽ có biện pháp xử lý. Trong trường hợp khi phát hiện hành vi sai phạm, BHXH sẽ có hình thức xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc phát hiện và có hình thức xử lý khi việc đã rồi là không dễ dàng và mất nhiều thời gian của các bên liên quan.

Do đó cũng có nhiều ý kiến đưa ra quan điểm có nên tiếp tục giao cho NLĐ tự quản lý hay lại quy về một mối quản lý tập trung như trước kia để tránh tình trạng phải chạy theo giải quyết hậu quả.

BHXH Việt Nam khẳng định, với trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH sẽ ghi nhận, tổng hợp và nghiên cứu để tiếp thu những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để đưa ra những đề xuất hợp lý nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi an sinh cho NLĐ.

Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề NLĐ vẫn cần hiểu rằng, chính sách BHXH là chính sách an sinh, hướng đến việc bảo vệ quyền lợi an sinh thiết thân cho người tham gia khi yếu thế.

Do đó, khi đã được giao sổ BHXH thì NLĐ cần phải quản lý tốt, không được để thất lạc hay đem đi cầm cố giải quyết những vấn đề trước mắt mà ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh lâu dài của bản thân, tránh những phiền toái, rắc rối sau này.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông