Chuyện thời cuộc: Tiên trách kỷ...

08:53 11/08/2019

Chơi hụi, góp họ rồi bị vỡ họ, vỡ phường là những cụm từ không còn mới mẻ. Thế nhưng, sau nhiều vụ việc vỡ lở mang tính cảnh báo, hoạt động phường, hụi im ắng được một thời gian sau đó vẫn âm thầm tiếp diễn.

Và vụ trốn hụi xảy ra tại quận Dương Kinh đầu tháng 8 vừa qua lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả đáng tiếc của những bài học tưởng như không còn mới này.

Vậy tại sao dẫu biết đó là bài học cũ mà vẫn nhiều người mới mắc phải?! Câu trả lời tất cả là do lợi nhuận ban đầu quá cao khiến nhiều người bị “che mờ mắt”. Để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo, thuyết phục “con mồi”, các đối tượng “trùm phường” thường trang bị cho mình khối tài sản hào nhoáng bên ngoài và trả lãi suất cao sòng phẳng trong nhiều tháng đầu khi nhận tiền. Thấy “dễ ăn”, nhiều người dân “tự nguyện tự giác” đi rút sổ tiết kiệm, mang "sổ đỏ" vay tiền ngân hàng để “hưởng chênh lệch lãi suất”. Thậm chí, có người còn đi vay lãi ở nơi khác, chơi cùng lúc nhiều “dây” hoặc gom giúp bố mẹ, anh chị em, người thân cùng cho vay để hưởng chênh lệch.

Điều đáng nói việc thu gom phường, hụi ở các chợ và trong nhân dân đều mang tính chất tự phát, quá trình giao dịch là thỏa thuận dân sự, cơ quan Công an cũng như chính quyền địa phương khó nắm bắt được. Chỉ khi vụ việc vỡ lở các nạn nhân mới trình báo lên cơ quan chức năng. Do đó, về lâu dài, để hạn chế hoạt động “tín dụng đen” nói chung và phường, hụi nói riêng, rất cần sự vào cuộc sát sao của chính quyền các địa phương trong việc nắm bắt tình hình. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nhận diện và tránh xa các mánh khóe lôi kéo của “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận dù các cơ quan chức năng có siết chặt kiểm soát đến đâu cũng khó giải quyết triệt để nếu ý thức của người dân không được nâng cao. Bởi hậu quả của vỡ hụi, vỡ họ là rất rõ với nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần ngập đầu, tán gia bại sản, hôn nhân tan vỡ. Tuy nhiên dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn không ít người dân không lấy đó làm bài học mà thường “mũ ni che tai”. Chỉ đến khi bản thân gặp cố sự mới tá hỏa tam tinh trách người và tìm đến cơ quan chức năng như tìm đến phao cứu sinh để được cứu trợ.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng trước tiên người dân cần phải tỉnh táo trước mọi lời dụ dỗ của kẻ có chủ tâm. Tỉnh táo, không vì hám lợi, lóa mắt trước “lợi nhuận ảo” thì chắc chắn sẽ không bao giờ có những vụ việc đáng tiếc như vậy xảy ra đối với chính mình.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông